Hoài Thu

Mẹ chuyển bụng sanh tôi vào một đêm mùa Thu, lúc đó ba còn bận đi hành quân xa, gia đình nội, ngoại không có bên cạnh, mẹ đành phải đi biển một mình. Cũng may nhờ ơn trên phù hộ, cả mẹ và tôi đều được mẹ tròn con vuông. Tiếng khóc chào đời của tôi lớn lắm, sang sảng y như là con trai. Sanh xong, mẹ như quên hết mọi đau đớn, nhọc nhằn, cứ giành lấy, ôm tôi trong lòng vì tôi là một sự kết hợp tuyệt vời của tình yêu giữa ba và mẹ.

Tôi có đôi mắt hai mí rành rạnh của ba và đôi môi xinh tươi của mẹ. Đến lúc làm khai sinh, cô y tá nhìn tôi âu yếm hỏi:

- Anh chị đặt tên cho cháu là gì, chị cho em biết để em điền vào giấy khai sinh.

Mẹ nhìn tôi, nhìn những giọt mưa Thu đang rơi rã rích ngoài trời, tạo nên cái không khí lành lạnh, u buồn. Mẹ chạnh lòng nghĩ đến ba, nên khẽ thở dài:

- Ba cháu không về kịp để đặt tên cho cháu. Hoài Thu, tôi sẽ gọi cháu là Nguyễn Lê Hoài Thu!

Cô ý tá ôm tôi, nựng nịu:

- Tên hay lắm chị! Hoài Thu, một mùa Thu gợi nhớ. Hoài Thu nè, lớn lên, cháu phải yêu thương ba và mẹ đồng đều nhé!

Ngày hôm ấy, tôi và cái tên Nguyễn Lê Hoài Thu ra đời. Tôi mang họ Nguyễn của ba và họ Lê của mẹ, chẳng biết vì vui mừng hay vì linh cảm một điều gì đó mà bỗng chợt tôi lại khóc ré lên... Tiếng khóc của tôi hòa trong tiếng mưa làm cho mẹ cũng mủi lòng, long lanh nước mắt nhớ ba. Thời buổi chiến chinh, có mấy ai lại được đoàn tụ, sum hợp một nhà. Vận nước đã vậy, hoàn cảnh của gia đình chúng tôi cũng chỉ là một phần nhỏ trong hàng triệu hoàn cảnh tan thương, ly tán mà những người Việt Nam lúc bấy giờ phải gánh chịu.

oOo

Hai năm sau, cũng vào mùa Thu, ba lại đi hành quân xa và lần đó ba không về nữa. Mẹ nhận giấy báo tử của ba từ tay một người lính trận. Tờ giấy nhạt nhoà vì nước mưa, vì nước mắt mẹ. Ba mất, cả bầu trời của mẹ như sụp đổ hoàn toàn, nếu không có tôi, có lẽ mẹ đã ngã quỵ mất rồi. Mùa Thu, định mệnh của mẹ và tôi dường như gắn liền với những mùa Thu. Nguyễn Lê Hoài Thu, tôi là một sự kết hợp tuyệt vời của tình yêu giữa ba và mẹ! Nguyễn Lê Hoài Thu, tội nghiệp cho tôi, mới có hai tuổi đầu đã phải khóc cha!


Chẳng bao lâu sau đó, những người từ phương bắc tràn vào và hàng triệu người miền nam đã chồng chất, bồng bế nhau lên những chiếc tàu nhỏ, vượt muôn ngàn hải lý, ra đi, tìm bờ bến tự do. Mẹ về quê, xin ngoại một số tiền, rồi vào một đêm tối trời, mẹ bồng tôi, theo đoàn người di tản. Biển đen thăm thẳm, chẳng biết âm thầm hứa hẹn điều gì? Bờ bến tự do hay lòng sâu lạnh giá ? Suông sẻ tốt đẹp hay bất trắc điệp trùng? Chúng tôi đi, phó mặc cuộc đời cho định mệnh, cho bàn tay thượng đế vì nếu ở lại, đất nước yêu quý của chúng tôi ở đâu, tương lai của chúng tôi ở đâu?

Cũng may, chiếc tàu nhỏ đã vượt qua muôn ngàn sóng lớn, chúng tôi được tàu đánh cá rước và đưa vào đảo Palawan, một trong những đảo lớn thuộc quốc gia Phi Luật Tân. Ở đó chừng một năm thì mẹ và tôi được cứu xét vì ba có tên trong quân đội của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi lại khăn gối lên đường đi đến nước thứ ba, Hoa Kỳ. Cuộc đời của tôi có lẽ thực sự bắt đầu từ cái mốc thời gian này mặc dù lúc đó tôi là một con bé chưa đầy năm tuổi, chưa biết được cái thiếu thốn của tình cha, chưa biết được nỗi âu lo của mẹ. Lúc đó, cái mà tôi biết và thích nhất vẫn là mấy viên kẹo đường xanh xanh, đỏ đỏ.

oOo

Thêm bao nhiêu mùa thu nữa trôi qua, thêm bao nhiêu chiếc là vàng lìa cành bay theo gió. Tôi lớn dần lên trong tình yêu thương của mẹ, vẫn tôn thờ hình tượng oai nghiêm, hùng dũng của ba. Nguyễn Lê Hoài Thu, vâng, tôi vẫn là Nguyễn Lê Hoài Thu, là con của cả ba lẫn mẹ, tôi không như người khác đổi họ thay tên. Tôi muốn tôi mãi mãi được mang họ của cả ba và mẹ, hai đấng sinh thành yêu quý nhất đời tôi. Sau này tôi lấy chồng, người chồng của tôi, dĩ nhiên, phải chấp nhận cho tôi mang họ của chính mình, còn không tôi thà ở vậy, chẳng thèm lấy chồng làm chi nữa.

Hai mươi tuổi, tôi gặp gỡ và yêu Khương trong khuôn viên đại học. Mặc dù Khương là người Công Giáo và nếu sau này lấy Khương tôi sẽ phải theo đạo, mẹ vẫn vui vẻ chấp nhận. Mẹ bảo đạo nào cũng hướng con người đến nơi hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn. Phật, Trời, hay Chúa mẹ đều tin cả vì mẹ theo đạo của ông bà Ngoại là đạo Cao Đài. Khương cũng rất biết điều, vào những dịp lễ lớn hay những ngày rằm, anh thường đến chở mẹ và tôi đi chùa hay đi thất. Tôi cảm thấy mình thật may mắn hạnh phúc vì tôi có tình thương của mẹ và tình yêu của Khương.

Hai năm sau, chúng tôi ra trường và làm đám cưới. Lấy chồng ở tuổi hai mươi hai, tôi là một nàng dâu còn quá trẻ, chưa có những kinh nghiệm của cuộc đời. Mẹ không chịu dọn về ở chung với chúng tôi vì lý do: Mẹ thích một mình yên tĩnh hơn và không muốn xen nhiều vào đời sống của đôi vợ chồng son chúng tôi. Thấy tôi buồn vì xa mẹ, Khương vỗ về:

- Không sao đâu em, nhà chúng ta chỉ cách nhà mẹ không đầy một tiếng lái xe, mình sẽ về thăm mẹ thường xuyên. Lúc này mẹ còn khỏe, còn đi làm, mẹ ở gần hãng cũng tiện, sau này khi mẹ về hưu rồi, anh sẽ rước mẹ về ở với chúng ta...

Tôi nũng nịu:

- Nhưng xưa giờ mẹ chỉ có một mình em, bỏ mẹ ra đi, em thật chẳng đành lòng. Rồi khi mẹ bịnh hoạn, đau yếu ai sẽ là người chăm nom, săn sóc cho mẹ?

- Em nè, mẹ đã sống hy sinh cho em cả cuộc đời, bây giờ hãy để cho mẹ có thì giờ riêng tư của mẹ và làm những việc mẹ thích làm. Em đừng thương mẹ một cách ích kỷ là chỉ muốn được chiếm hữu mẹ thôi chứ!

- Em không phải như vậy ... Anh không có hiểu ...

- Được rồi, được rồi, khi nào mẹ thích thì mình rước mẹ về ở chung, chịu không ?

Tôi đành chịu, chứ còn biết nói sao hơn, ý mẹ đã quyết là vững như kiềng ba chân mà, trong một thời gian ngắn tôi biết tôi không thể nào lay chuyển được .

oOo

Lại thêm những mùa Thu nữa, mỗi một mùa Thu qua đi, tôi nhận ra mái tóc mẹ có thêm sợi bạc. Lúc đầu thì còn lưa thưa, phải nhìn kỹ mới thấy, sau thì những sợi bạc ấy mỗi ngày thêm nhiều. Mẹ đã bước vào tuổi năm mươi rồi còn gì. Vậy mà, tôi lại nghe những tin đồn rất lạ về mẹ:

- Mẹ, lúc này con nghe người ta nói bác Phổ thường đến chở mẹ đi chùa lắm phải không?

Tôi đọc được trong mắt của mẹ một thoáng bối rối:

- Ờ thì... bạn già, lại làm chung hãng với nhau, nên đi chung cho tiện, lúc này mẹ lớn tuổi rồi, cũng ngại lái xe nhiều.

Tôi cố lấy giọng nhỏ nhẹ:

- Mẹ, hay là mỗi tuần tụi con về chở mẹ đi chùa nghen! Đừng làm phiền bác Phổ nhiều quá, người ta cũng có đời sống riêng mà.

- Bạn bè với nhau, có phiền gì đâu con. Bác ấy cũng chỉ có một thân, một mình, không vướng bận gia đình, vợ con...

- Mẹ, chính vì bác ấy chỉ có một thân một mình nên mẹ mới phải càng... càng tránh xa bác ấy. Con không muốn mẹ... mang tiếng, mong mẹ hiểu ý con...

Mẹ ngỡ ngàng nhìn tôi:

- Con...

Tôi nắm tay mẹ:

- Mẹ, mẹ đừng có giận con. Không phải con muốn xen vào chuyện riêng của mẹ. Nhưng mà mẹ nghĩ đi, thiên hạ sẽ đánh giá thế nào về... về mối quan hệ giữa mẹ và bác Phổ? Thêm nữa, bên chồng của con, họ sẽ nghĩ gì? Từ trước tới nay, họ đều nghĩ mẹ là một người mẹ hoàn hảo, suốt đời chỉ biết thờ chồng, nuôi con...

Mẹ thở dài, vỗ vai tôi:

- Được rồi, mẹ hiểu mà. Con đừng lo, mẹ biết phải xử sao ...

Tự nhiên tôi mủi lòng, muốn khóc:

- Mẹ con thương mẹ lắm, mẹ biết không ?

Mẹ gượng cười:

- Lại nhỏng nhẻo với mẹ à? Có chồng rồi, phải nên thân một chút, cô ạ!

- Mẹ ... mẹ đừng có cười con mà ...

oOo

Mẹ đột ngột trở bệnh tim, lúc đó vợ chồng tôi đi đám cưới mãi bên tận Florida, chỉ có bác Phổ đưa mẹ vào bịnh viện. Từ lâu rồi, tôi vẫn biết chứng bịnh tim của mẹ rất nguy hiểm, mẹ có việc suy nghĩ hay buồn phiền nhiều là bịnh tái phát ngay. Được bác Phổ báo tin, chúng tôi vội vàng trở về sớm hơn dự định. Về đến phi trường, lái xe một quãng khá xa, vào bịnh viện đi thang máy lên tận lầu bốn, lại gặp phải cái hành lang dài hun hút, tôi và Khương đi như chạy, miệng lâm râm cầu nguyện cho mẹ tai qua nạn khỏi.

Tôi gõ lên cánh cửa phòng nhè nhẹ rồi xoay nắm đấm bước vào. Mẹ nằm ở đấy một mình, gương mặt có vẻ xanh xao. Thấy chúng tôi, mẹ lồm cồm gượng ngồi dậy. Tôi vội đưa tay ngăn:

- Mẹ cứ nằm cho khỏe! Mẹ sao rồi? Bác sĩ nói sức khỏe của mẹ như thế nào hở mẹ?

Khương cũng vội bước đến bên giường mẹ, anh than:

- Trông mẹ xanh xao quá!

Mẹ cười, trấn an chúng tôi:

- Mẹ đã khỏe lại nhiều rồi. Chỉ là căn bịnh cũ lâu lâu lại trở chứng thôi. Bác sĩ nói mẹ cần nghỉ ngơi một chút là mọi việc sẽ trở lại bình thường.

Tôi suýt soa:

- Lúc mẹ bịnh, con không có ở cạnh để săn sóc cho mẹ, thật là bất hiếu!

- Đừng có tự trách mình, hơn nữa mẹ đã không sao rồi mà con.

Tôi chợt nhớ:

- Bác Phổ... đâu rồi mẹ?

Mẹ không nhìn tôi:

- Bác ấy cũng vừa về để chuẩn bị cho... một chuyến đi xa.

- Đi xa? Bác Phổ đi đâu hở mẹ, đi nghỉ hè à?

- Không, bác ấy sẽ dọn về California sinh sống. Nơi đó, bác có nhiều bà con và bạn bè hơn, còn ở đây bác chỉ có một mình, mẹ nghĩ chắc bác cũng buồn.

Sau tiếng "buồn" tôi nghe tiếng thở dài của mẹ dù rất khẽ. Tự nhiên, tôi cảm thấy nao lòng. Tại sao bỗng dưng bác Phổ lại có quyết định đi xa như thế này, hay là...

- Mẹ, có phải mẹ... đã nói gì với bác Phổ không?

Mẹ bối rối:

- Không, mẹ đâu nói gì, quyết định đi hay ở chỉ là do bác thôi! Mẹ hơi mệt chắc cần phải chợp mắt một chút, hai con về nhà lo tắm rửa nghỉ ngơi đi. Còn trẻ, các con đừng phung phí sức khỏe để đến lúc về già thì sẽ giống thân cây mục như mẹ đó!

oOo

Tại sao bác Phổ bỏ đi? Câu hỏi đó lẩn quẩn mãi trong đầu tôi. Chắc tôi phải gặp bác ấy một lần trước khi... quá muộn. Tự nhiên tôi cảm thấy mình có lỗi. Hình như tôi chỉ biết sống cho mình, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình chứ chưa từng nghĩ đến cảm giác, tình cảm của mẹ và... bác Phổ!

Khương như nhận ra được sự bâng khuâng trên gương mặt tôi, anh nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, trấn an:

- Mẹ sẽ khỏe lại nhanh chóng thôi em. Mà nè, hình như em đang nghĩ ngợi đến một điều gì đó khác hơn phải không? Bác Phổ và mẹ...

Tôi vội vàng cắt ngang câu nói của Khương như sợ anh tìm ra một bí mật nào đó:

- Không, không, bác Phổ và mẹ không có gì. Thật mà... thật đó, anh có tin em không?

- Em làm gì mà cuống quýt lên vậy? Anh có nói bác Phổ và mẹ có gì đâu? Anh chỉ nghĩ, bác Phổ bỏ đi thật là một điều đáng tiếc vì mẹ và bác Phổ hình như hợp nhau lắm. Tại sao họ không thể xây dựng một tình cảm lâu dài nhỉ? Người lớn thật lạ hơn bọn trẻ chúng mình, họ làm cái gì cũng cân tới đo lui, nghi trước ngại sau! Có thể bác Phổ thích mẹ và mẹ cũng thích bác ấy nhưng chẳng hiểu vì lý do gì hai người lại...

- Anh, anh nói gì vậy? Tại sao anh nghĩ như vậy? Mà dẫu như bác Phổ với mẹ thật thích nhau, em nghĩ họ không thể... không thể nào đi xa hơn! Họ đều lớn tuổi cả rồi mà...

- Sao lại không thể? Em nghĩ chỉ những người trẻ tuổi như chúng ta mới có quyền yêu, quyền sống cho mình à? Anh không chấp nhận lối suy nghĩ ích kỷ như vậy. Hơn nữa, mẹ đã vì em hy sinh cả đời, những tháng ngày sau này, đáng lẽ mẹ phải sống cho mẹ và tình cảm riêng tư của mẹ, em nghĩ có đúng không?

- Em... em... không biết nhưng chẳng lẽ... chẳng lẽ anh nghĩ... bác Phổ và mẹ có thể...

- Sao lại không hở em? Dù rằng tình yêu, tình cảm của người lớn tuổi không bồng bột, sôi nổi như bọn trẻ chúng mình nhưng không có nghĩa là họ đã hết biết yêu...

Tôi nhắm mắt, lắc đầu:

- Em mệt quá, em chỉ muốn nhắm mắt một chút!

Khương vỗ nhè nhẹ tay tôi:

- Em ngủ đi, đừng suy nghĩ nhiều nữa. Tình cảm của mẹ và bác Phổ đâu đến phiên chúng mình bàn tán chứ.

Tôi nhắm mắt lại nhưng câu nói của Khương cứ như vang mãi bên tai tôi. "Tình cảm của mẹ và bác Phổ đâu đến phiên chúng mình bàn tán chứ", nhưng tôi đã từng xen vào ngăn cản mẹ kia mà. Tôi đã làm sai hay đúng? Có lẽ tôi đã... sai rồi!

oOo

Sáng hôm sau, tôi gọi vào hãng cáo bịnh. Sau một đêm suy nghĩ, tôi quyết định làm một việc hơi... táo bạo: Tôi lái xe trong mưa đi tìm bác Phổ!

Căn hộ của bác Phổ cách nhà mẹ không xa, chỉ khoảng hai đoạn đường. Tôi đến, đứng trước cánh cửa khá lâu rồi đưa tay lên nhấn chuông. Tôi hồi hộp nghe từng nhịp tim vang lên rối rắm. Tôi sẽ nói gì với bác Phổ đây? Tôi không có thời gian để suy nghĩ lâu, cánh cửa đã bật mở. Bác Phổ ngạc nhiên khi thấy tôi:

- Hoài Thu, mẹ cháu ra sao rồi? Vào nhà đi cháu!

- Dạ, mẹ cháu đã khỏe nhiều, cháu đến để... cám ơn bác trong thời gian qua đã săn sóc cho mẹ cháu...

Bác Phổ đứng tránh qua một bên cho tôi bước vào, cười buồn:

- Đừng cám ơn bác khách sáo như vậy, Hoài Thu ạ! Bác rất vui khi được ở bên cạnh để săn sóc, giúp đở cho mẹ cháu đó, cháu có biết không?

- Dạ, cháu biết, nhưng tự nhiên sao bác có ý định dọn đi xa... Bác không muốn... mẹ cháu làm phiền bác nữa ư?

- Không phải là do bác, là do mẹ cháu đó, chính mẹ cháu đã... từ chối bác...

Bác Phổ nói câu này với vẻ mặt thật buồn, tôi nghe cay cay đôi mắt. Mẹ đã làm theo ý tôi rồi nhưng sao tôi lại không vui và ngậm ngùi như thế này? Có lẽ tôi là kẻ ích kỷ nhất thế gian, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Tôi lơ đãng nhìn những giọt mưa đầu Thu đang nhẹ nhàng lất phất bên ngoài:

- Bác có muốn cháu kể cho bác nghe tại sao cháu có tên Hoài Thu không? Mẹ sanh cháu vào một đêm Thu, lúc đó ba cháu bận đi hành quân xa...

Tôi miên man kể cho bác Phổ nghe về mẹ, về ba, về tôi, về những tháng ngày chúng tôi đã trải qua, về những khổ đau, nhọc nhằn của mẹ. Tôi kể, trên đôi mắt những giọt nước mắt đã đọng lại từ lúc nào, khi tôi chấm dứt câu chuyện, đôi mắt bác Phổ cũng rưng rưng. Bác Phổ đưa khăn giấy cho tôi lau nước mắt, tôi cười gượng:

- Cháu hư quá phải không? Sao tự nhiên lại kể những chuyện này cho bác nghe... Những mùa Thu đã qua của mẹ cháu chỉ là những mùa Thu của hoài niệm, trống vắng cô đơn, thật là tội cho mẹ lắm! Cháu hỏi thật bác một điều, xin bác đừng có giấu cháu!

- Cháu hỏi đi, bác sẽ trả lời.

- Bác có... thương mẹ cháu không? Thương ở đây là cháu muốn nói đến... tình yêu giữa hai người... nam và nữ.

Bác Phổ nhìn tôi, gật đầu:

- Có, nhiều lắm và bác rất muốn dành quãng đời còn lại của mình để săn sóc, an ủi cho mẹ cháu.

- Vậy cháu xin bác, bác đừng đi nha!

- Nhưng mẹ cháu...

- Cháu nghĩ mẹ cháu cũng rất... rất thương bác, cháu sẽ thuyết phục được mẹ giữ bác ở lại. Bác có muốn đi rước mẹ với cháu không? Hôm nay là ngày mẹ xuất viện.

- Cháu nghĩ bác nên đi không?

Tôi gật đầu lia lịa:

- Dạ nên, nên lắm bác ạ!

oOo

Mẹ ngồi tựa lưng vào tường, tay thoăn thoắt đan đan, móc móc khi tôi bước vào phòng:

- Mẹ ơi, mẹ đang làm gì đó?

- Mẹ đan áo len cho con, mùa Thu tới rồi, gió sẽ lạnh hơn, con nên mặc thêm áo ấm, lớn rồi mà không biết tự săn sóc cho mình gì cả, làm mẹ phải lo cho con hoài nè!

Tôi cười, nịnh mẹ:

- Áo mẹ đan đẹp nhất thế giới mẹ ơi, con thích màu hồng này lắm! Cám ơn mẹ. À mẹ ơi, có người cũng muốn vào thăm mẹ kìa!

- Ai vậy? Khương à? Hai đứa làm gì vậy? Sao không vào một lượt mà phải kẻ trước người sau?

Tôi bật cười, xoay ra cửa la lớn:

- Ông gì đó ơi, mẹ tôi đã cho phép rồi, ông hãy mau vào đây!

Bác Phổ, hình như hơi... mắc cở, bước vào. Mẹ ngạc nhiên:

- Sao lại là anh, anh chưa đi à?

Bác Phổ đưa mắt nhìn tôi cầu cứu, tôi vội nói:

- Mẹ ơi, khó khăn lắm con mới giữ được bác Phổ ở lại với... mình, mẹ đừng đuổi bác ấy đi nữa, mẹ nhé!

Mẹ vẫn chưa hiểu, hỏi tôi:

- Là con? Nhưng con giữ bác ấy ở lại để... làm gì?

Tôi cườn lỏn lẻn:

- Thì để... để bác ấy... thương yêu, chăm sóc mẹ thay con chứ làm gì nữa!

- Con... con...

Tôi vòng tay ôm mẹ, mắt nhìn vào mắt mẹ:

- Mẹ, những mùa Thu đã đi qua trong đời mẹ đều là vui ít buồn nhiều, từ nay, con, anh Khương và... bác Phổ sẽ chăm sóc cho mẹ kỹ càng, chu đáo hơn để mẹ luôn luôn được cảm thấy được thương yêu và hạnh phúc, mẹ có chịu không?

Mẹ nhìn tôi cảm động:

- Cũng lại là con, con có biết con đang làm gì không vậy Hoài Thu? Tự nhiên sao bắt bác Phổ phải săn sóc cho mẹ? Bác ấy có chịu như vậy bao giờ đâu?

Bác Phổ nhìn mẹ tha thiết:

- Sương, sao em lại nói vậy? Từ lâu, em vẫn biết tôi... tôi rất là... rất là thương em mà... hãy cho tôi được phép...

Mẹ vội vàng xua tay:

- Hôm nay là ngày gì vậy? Mọi người có vẻ chẳng được bình thường, anh nói ra như vậy không sợ con Thu nó cười mình hay sao?

Tôi dụi đầu vào lòng mẹ:

- Thì con đang cười nè nhưng mà con cười trong hạnh phúc, con có cảm giác như mình vừa được đoàn tụ trong một gia đình có đầy đủ mẹ cha! Từ nay, mùa Thu sẽ là một mùa đáng yêu và đáng nhớ nhất trong một năm, mẹ ơi!

Tôi đứng dậy, nắm tay bác Phổ kéo đến bên mẹ, rồi tôi cầm tay mẹ đặt vào bàn tay ấy. Thời gian, không gian như ngừng lại, chỉ còn có những nhịp tim đang đập lên cuống quýt, nồng nàn vì hạnh phúc. Mưa Thu lại rơi những giọt tí tách reo vui! Hoài Thu, tên tôi lại thêm một lần làm nhân chứng cho một mùa Thu đáng nhớ!

HẾT
_______________

Bài đoạt giải nhì cuộc thi Văn mùa Thu 2003 at datviet.com
Copyright by datviet.com. All rights reserved.


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả