Trần Vũ Liên Tâm
[ Thi Hữu | Nhắn Tin]


Người Hùng

" Ba đâu có nuôi con đâu mà dạy!"

Nam hét thật lớn làm cho ông Khanh tái mặt đi. Cặp mắt ông nhìn như cơ hồ muốn thiêu rụi Nam ngay. Nhưng rồi ông chỉ lẳng lặng bỏ vào phòng, đóng cửa và không nói một lời nào cả. Bà Khanh nãy giờ ngồi trên ghế sofa đọc báo không buồn ngước mắt lên, vì như sợ phải dự vào một cuộc tranh luận nữa của chồng và con - đứng dậy, thở dài và buồn rầu nhìn Nam nói:

"Lần này má không bênh cho con được rồi! Con thật có lỗi!" Rồi bà bỏ xuống bếp.

Kể từ hôm đó căn nhà của ông bà Khanh im lặng và yên tĩnh một cách lạ lùng. Không còn tiếng ông Khanh la Nam đi sớm hay về trễ, hoặc lời ông dặn dò, dạy bảo gì Nam. Hàng xóm cũng không nghe tiếng bà Khanh la oang oảng bênh vực giùm cho con trai. Hai cha con họ đã không nói chuyện với nhau, mà thật ra trước đây họ có nói chuyện nhiều với nhau đâu chứ. Khi bà Khanh sanh Nam ra, ông Khanh đã bị đi cải tạo. Nên suốt 10 năm đầu, Nam không biết mặt ba mình là ai, chỉ biết một, hai năm gì đó thì bà Khanh lại đi thăm ông. Sau đó ông đã về vài tháng rồi lại phải ra đi. Thời gian ông ở nhà rất ít, chính vì vậy tình cảm của ông và Nam có phần hời hợt. Nhất là khoảng ba năm nay, sau khi gia đình Nam định cư tại Mỹ được bốn năm, thì hai cha con càng có nhiều hục hặc. Ông Khanh luôn rầy la Nam về tất cả mọi chuyện. Từ bạn bè, học hành, cách ăn nói, quần áo, và cho đến đầu tóc của Nam đều làm cho ông Khanh bực mình. Bà Khanh thì luôn bênh vực Nam vì dù sao đi nữa thì bà chỉ có một đứa con trai quý này thôi. Nhiều lúc bà thật chỉ muốn khuyên chồng nhỏ nhẹ, để Nam khỏi cậy vào má. Nhưng mỗi lần bà thấy Nam bị chồng la thì bà giận, bất cần điều ông la là đúng hay sai. Bà đã sanh và cực khổ nuôi lớn Nam mà, nên bà thật không hiểu tại sao chồng bà có thể la mắng đứa con yêu của bà đến như thế. Giờ thì bà thật không biết bà làm vậy là đúng hay sai, vì gần đây Nam đã không coi ba mình ra gì và không còn nghe lời ông hay luôn cả chính bà nữa. Bà Khanh quá mệt mỏi nên không thèm nói gì hay can dự để hoà giải cho hai cha con. Riêng Nam thì Nam thấy ba mình thật là phiền, Nam cứ thầm mong sao Nam đừng có người cha như vậy. Nam tự hỏi tại sao ba của mình lại quá độc tài, cứ phải xen vào đời tư cá nhân của Nam, cứ phải la Nam về chuyện học hành và bạn bè hoài. Nam nào có ước ao gì lớn đâu, Nam chỉ mong gia đình Nam được hạnh phúc như thằng Hải, bạn học của Nam, mà thôi.

......Hôm nay sinh nhật của ba thằng Hải, nên Nam qua nhà chơi để cùng ăn tối vơi gia đình Hải, coi như là mừng sinh nhật của ông. Sau bữa cơm tối, cả nhà thằng Hải quây quần trong phòng khách. Và như thường lệ, ba của Hải lại kể chuyện thời xưa và lần này ông còn lôi cuốn album ra để ôn lại những kỷ niệm cũ. Vừa lật ông vừa chỉ hình của ông khi trẻ, Nam thật khâm phục ông. Ở nhà của HảI, Nam cảm nhận được sự ấm cúng của gia đình. Khác với ông Khanh, ba của Hải thật tuyệt vời, lúc nào cũng vui tươi và chẳng bao giờ la mắng gì Hải cả. Ông còn hay kể chuyện đi lính thời xưa của ông cho Hải và Nam nghe. Nam thật mong ba mình cũng là một người lính oai hùng như thế , dù chỉ bằng một phần nhỏ của ba thằng Hải mà thôi.

Ông Khanh chưa bao giờ hé môi kể chuyện thời trai trẻ của ông cho Nam, mỗi khi Nam gợi chuyện thì ông chỉ nói :
"Ôi khi ấy ba chỉ là lính quèn thôi, chuyện xưa nhắc chi nữa con!"
Và rồi ông lãng qua chuyện khác. Chắc là ông chẳng có làm gì oai cả, lấy gì mà kể cho Nam nghe chứ! Ba gì mà cả ngày cứ la Nam chuyện học và đi chơi hoài chứ không bao giờ biết đến chuyện khác. Nếu ông Khanh được như ba của Hải thì thích ghê đó!
"Hey Nam, nhìn hình Bác, thần tượng của tao nè!" Hải níu Nam sát vào cuốn album. Trên đó là tấm hình của một người thanh niên trạc 25 tuổi, khá đẹp trai và oai hùng, nhưng không hiểu sao Nam cảm thấy hơi quen. Còn Hải thì líu lo nói như sợ người khác dành:
"Bác ấy là Đại Úy, xếp của ba tao, nghe ba tao nói bác ấy rất hiền nhưng rất gan và anh dũng. Ba tao được bác đỡ một viên đạn đó mày, oai không ? Khi ba tao vào tù, cũng nhờ Bác chăm sóc nhiều lắm. Mấy ông cán bộ trong tù cũng phải nể bác đó mày. Hồi tao còn bé, Bác có ghé nhà 1 lần, từ đó tao coi bác như người hùng của tao. Nghe nói đâu tao bằng tuổi với thằng con trai của bác đó mày!"
Ba Hải bỗng đứng dậy và nhìn ra cửa sổ rồi khẽ nói:
"Không biết anh ấy ra sao nữa, còn thằng bé con của anh ấy nữa. Tội nghiệp, nó là niềm hy vọng duy nhất của anh ấy. Anh Khanh thương nó vô cùng, hình như thằng bé cũng tên Nam đó nha!" ba của Hải quay lại cười và nháy mắt chọc Nam. Rồi ông nói tiếp "đúng rồi mà, anh ta có nói là đặt thằng bé tên Việt Nam để nó nhớ và yêu mãi quê hương! Anh ấy hãnh diện vì thành bé lắm!" Hải cũng nhìn ra cửa sổ và nói khẽ, "Con nghĩ chắc anh ta phải hãnh diện vì người ba đó mới đúng!"
Nam vội cầm cuốn album và nhìn kỷ lại tấm hình. Nó thấy rõ bên tay phải người thanh niên kia có một vết sẹo dài, giống như của ông Khanh. "Không thể nào!" Nam thầm nói! Hải bỗng quay lại hỏi Nam, "hey Nam, mày cũng tên Việt Nam mà! Ba mày cũng tên Khanh. Bác Khanh người Pleiku đó!"
"Thật hở cháu!" Ba Hải vội mừng hỏi.
"Dạ, cháu người Pleiku. Cháu có hình của gia đình đây!" vừa nói Nam móc bóp đưa hình cho Ba của Hải xem. Ông vừa nhìn đã reo lên "bao nhiêu năm rồi, anh Khanh thật vẫn vậy, chỉ già hơn thôi - mà cũng phải, đã bao năm rồi!" và rồi ông đến bên vỗ vào vai Nam và nói "cháu phải đưa bác đến thăm ba cháu ngay!" Còn Nam thì đứng như chết trân vì vẫn còn bàng hoàng.
Chẳng lẻ người mà thằng Hải và ba Hải kính phục nhất lại là ba nó, không thể nào, ba nó vô dụng lắm mà! Ba nó có bao giờ nói cho nó nghe gì đâu, chứ không nó đã tôn thờ ba nó làm thần tượng rồi. Trong tâm trí nó, Ba nó hèn nhát lắm nên nó đã không nghe lời và cố tình gây với ba nó. Nếu biết thế thì nó đã ráng học và không ham chơi. Ôi nếu nó biết thì nó đã yêu ba nó lắm! Nam bỗng cảm thấy mắt nó thật nóng và không hiểu tại sao một giọt nước mắt tràn ra!


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả