Ba

... tháng sáu, viết cho Ba...

Tôi sinh ra vào những ngày cuối của năm 73, chưa đầy hai tuổi thì đất nước được người ta ghép tặng cho hai tiếng "Giải Phóng". Giải phóng, ba tôi ra đi từ đó và hẹn với mẹ tôi là tháng sau sẽ trở về. Đó có lẽ là lần đầu tiên trong đời ba... thất hứa với mẹ. Một tháng kéo dài, dài mãi cho đến mười năm!

Không được may mắn như chị tôi, một chút ấn tượng về ba tôi cũng không lưu giữ được. Trách ai? Trách tôi còn bé quá hay trách ba ra đi bỏ tôi sớm quá? Trách ba hay trách tôi đều... không đúng, tôi đâu có muốn như vậy và ba cũng đâu có muốn như vậy, chỉ tại thế thời thời phải thế.

Cuốn album có đầy đủ hình ảnh ba mẹ và bốn anh chị em tôi được tôi ôm ấp và giành lấy làm của riêng mình, thậm chí khi đi ngủ tôi cũng không rời xa nó. Biết làm sao hơn vì chỉ trong cuốn album gia đình tôi mới được sum hợp, tôi mới được... có ba. Mẹ thấy tôi làm dơ cuốn album thì nóng lòng không cho tôi giữ nữa, nhưng khi thấy tôi khóc mẹ cũng không đành lòng, từ đó tôi trở thành cô chủ nhỏ của nó. Anh chị tôi muốn xem phải có sự đồng ý của tôi nếu không tôi sẽ khóc mà khi tôi khóc thì... đố ai biết bao giờ tôi mới chịu... nín.

Sáu tuổi tôi đi học, cô giáo điều tra lý lịch vào ngày đầu tiên với câu hỏi "Ba em làm gì?". Thằng hàng xóm biết chuyện gia đình tôi ma lanh trả lời:

- Ba nó làm... "ngụy" và bây giờ bị nhốt trong... hộp!

Lúc đó tôi cảm thấy... hận nó thâm xương và về nhà khóc tức tửi với mẹ. Mẹ an ủi tôi, bảo:

- Nó con nít nói bậy, ba con là một anh hùng và con phải luôn luôn ghi nhớ điều đó.

Mẹ đâu biết trong đầu óc non nớt của tôi, tôi không mong ba làm anh hùng, tôi chỉ muốn tôi có ba, được ở kề cận ba như bao nhiêu đứa trẻ bình thường khác.

Cô giáo dạy lớp hai cho tôi cũng là một người quen biết với gia đình, cô thấy lý lịch của tôi "xấu" quá, sợ sẽ ảnh hưởng đến việc học hành của tôi sau này nên cô sửa lại cái khoản tôi khai về ba, cô cho ba tôi... làm vườn, thay vì đi "học tập cải tạo". "Vườn" ba làm lúc đó là những cánh rừng nguyên thủy hoang sơ, người ta bắt ba đi đốn củi qua hết ngày này qua ngày nọ, bất kể lúc mưa giông, khi nắng hạn. Sau này lớn lên một chút, tôi nghĩ tôi nên khai ba tôi là... tiều phu đúng hơn vì tiều phu mới đốn củi chứ, nhưng gọi ba là tiều phu cũng không chính xác nữa, phải gọi là... tiều tụy mới đúng vì phần ăn của những người "học tập cải tạo" như ba không thể nói là... bữa đói bữa no mà là... bữa nào cũng đói cả.

Những năm đầu, ba "đi học" mãi tận miền Bắc xa xôi. Thỉnh thoảng mẹ lại nhận được thư báo là ba đã đổi trại. Hồi đó, thư từ gởi đi thật khó khăn. Mẹ vẫn rất siêng viết thư cho ba. Thư đi thư về lắm khi hơn cả tháng, chưa kể nhiều lúc thư bị thất lạc mất tiêu. Thế là mẹ lại khắc khoải mỏi mòn, lại viết thư và chờ thư. Viết thư cho ba, mẹ chỉ kể chuyện bọn chúng tôi chứ chẳng dám than thở một lời. Mẹ sợ ba lo lắng cũng có mà mẹ sợ bị "dòm ngó" cũng có, đã gọi là thời buổi "độc lập tự do", "ấm no hạnh phúc" thì còn cái gì để cho mẹ than thở nữa mặc dù có nhắm tịt hai con mắt lại cũng biết nồi cơm của gia đình lúc nào cũng độn sắn, độn khoai. Quần áo chúng tôi mặc có mới, có cũ. Mới ở đây là những quần áo ngày xưa của mẹ, mẹ đem sửa lại cho chúng tôi có để đến trường. Bây giờ tôi hiểu tại sao mẹ lúc đó còn trẻ măng, chỉ khoảng ba mươi tuổi, mà tóc trên đầu đã lắm sợi bạc.

Xa xôi là thế, vất vả nguy hiểm là thế, Mẹ vẫn ra Bắc để thăm nuôi ba. Lần đó người ta cho mẹ ở cạnh ba được 24 tiếng đồng hồ. Tội nghiệp mẹ lặn lội suốt chiều dài đất nước để đi thăm chồng, bao nhiêu năm xa cách, một vòng kim đồng hồ gần gũi lắm xót xa. Giờ phút chia tay, ba lầm lũi bước vào trong trại, mẹ đau đớn trở về. Nước mắt còn nhiều hơn cả tháng bảy mưa ngâu vì Ngưu Lang, Chức Nữ mỗi năm mỗi gặp, ba mẹ cách nhau đã mấy năm ròng.

Khi ba được chuyển vào Nam, chuyện thăm nuôi dễ dàng hơn và chúng tôi cũng đã lớn hơn nên được mẹ lần lượt dẫn đi thăm ba. Lần đầu tiên tôi gặp ba là lúc tôi đang học lớp 3. Ba trong hình của tôi thật khác xa ba ở ngoài đời lắm. Ba ở ngoài đúng là quá... tiều tụy, xanh xao. Tôi và mẹ ngồi một bên, ba ngồi một bên, cách nhau một cái bàn. Kế cạnh chúng tôi là những người thăm nuôi khác. Mắt ai cũng đỏ hoe. Lệ mừng, lệ tủi, lệ xót xa, lệ nào lúc này cũng đều se sắt như nhau. Ba với tay vuốt tóc tôi. Mẹ bảo:

- Gọi ba đi con!

Tôi nghèn nghẹn hồi lâu mới bật được một tiếng "ba", tiếng gọi mà cả ba và tôi đều đã khao khát chờ đợi lâu lắm rồi. Ba cũng có hơn gì tôi đâu, tiếng gọi "con" của ba tắt nghẹn, giọt lệ nóng chảy dài.

Một giờ ngắn ngủi trôi qua. Vâng, tôi chỉ được gần ba có một giờ. Giây phút cuối cùng, ba bịn rịn chẳng muốn đi. Ba vội vàng, cuống quít cầm lấy tay mẹ, tay tôi như sợ rằng chúng tôi sẽ đột nhiên biến mất. Vừa lúc đó, người quản trại trừng mắt gầm gừ:

- Anh kia đi vô đi!

Thấy ba còn bịn rịn, hắn lại nhắc thêm một lần nữa:

- Tôi bảo anh đi vô ngay!

Ba nuốt tủi hận vào lòng, rời tay mẹ, tay tôi. Mẹ nói với theo:

- Ráng giữ gìn sức khoẻ nghe anh!

Tôi khóc tức tửi trong tiếng gọi "Ba ơi!". Quanh chúng tôi ai nấy cũng đều nức nở. Tôi nhìn theo bóng ba chập chờn, xiêu vẹo trong nắng giữa những người bạn tù khác cho đến khi cái bóng ấy nhạt nhoà rồi mất hút nơi lối rẽ. Con đường ba đi xa quá, con đường mẹ và tôi trở về cũng sẽ rất xa. Hồi lâu, thấy tôi còn đứng thẩn thờ, mẹ bảo:

- Thôi về con, kẻo không trể xe, người ta sẽ chẳng chờ mình! Mai mốt có tiền mẹ sẽ dẫn con đi thăm ba nữa.

Lệ tôi lại chảy dài trên má:

- Mẹ ơi, con... thương ba quá...

Mẹ lấy tay quẹt nước mắt cho tôi, bảo đừng khóc trong khi nước mắt mẹ cũng lưng tròng có khác gì tôi.

Gió núi thổi phành phạch, bụi đỏ bay mịt mờ nhưng cái nóng giữa trưa hè vẫn như đốt, như nung. Núi có tên là núi Chứa Chan nhưng những người dân trong vùng lén gọi lái lại là núi... Chán Chưa. Đó là những gì tôi còn nhớ về vùng đất đỏ miền đông.

oOo

Ngày ba đi tôi chưa đầy hai tuổi, lúc ba về tôi đang học lớp sáu. Mười năm dài đăng đẳng đã trôi qua. Cuộc sống của gia đình tôi cũng biến đổi không ngừng. Anh chị em chúng tôi mỗi ngày một lớn là gánh nặng trên đôi vai gầy của mẹ lại oằn hơn. Cũng may, chúng tôi còn có ngoại và các cậu, dì nâng đở những lúc khó khăn. Trong lúc mẹ tất bật, nhọc nhằn với công việc mua bán, chúng tôi ở nhà với ngoại cho nên những kỷ niệm về ngoại mãi mãi đong đầy trong trái tim tôi. Tôi trải tuổi thơ của mình lên dòng sông quê hương, lên vườn mận hồng đào ngọt ngào của ngoại, lên tiếng ru hời mỗi trưa ngoại ru tôi ngủ...

Ơ ầu ơ... đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em đợi...
Ơ ầu ơi... chín trăng em đợi... mười Thu em chờ

Lời ru buồn như cuộc đời của mẹ tôi vậy! Vâng, mẹ tôi đã chờ đợi ba tôi ngót mười năm...

Mười năm đối với một người tù chính trị như ba tôi gần như là một điều không tưởng vậy mà nó vẫn xảy ra. Nó xảy ra không chỉ cho riêng gia đình tôi, mà còn biết bao gia đình khác cũng cùng hoàn cảnh. Mười năm, có biết bao nhiêu người vợ mất chồng, bao nhiêu người con mất cha. Hầu như gần trại cải tạo nào người ta cũng có một... nghĩa trang rất sơ sài bên chân núi hay bên cánh rừng hoang để chôn cất những người không chịu nổi những khắc khổ của tù đày, của rừng thiêng nước độc mà bỏ mạng.

Ba tôi trở về trong dịp tết như một đặc ân của nhà nước dành cho gia đình chúng tôi. Ba không về thẳng nơi tỉnh lỵ mà ở lại nhà bác tôi trên Sài Gòn để tránh nhiều điều bất trắc có thể xảy ra vì chúng tôi vốn đã quen với câu "Phép vua thua lệ làng!", nhà nước đã "ân xá" cho ba tôi nhưng chắc gì các quan trong tỉnh đối đãi với ba tôi dễ dãi, mẹ và gia đình nội, ngoại của tôi đều không muốn ba tôi phải mạo hiểm thêm lần nữa. Cũng nhờ vậy mà năm đó tôi được lên Sài Gòn ăn tết để sum hợp với ba.

Giữa cảnh thị thành đô hội của Sài Gòn, tôi say sưa ngắm nhìn những ngọn đèn xanh đỏ như trong lời ru của ngoại, lòng dạt dào xúc động. Cuối cùng mẹ đã chờ được ba tôi, mười Thu... và người xưa đã nói chỉ một ngày tù thôi đã dài như nghìn Thu ở ngoài...

oOo

Bọn anh em chúng tôi tuy rất thương ba nhưng khoảng thời gian xa cách lâu quá khiến chúng tôi không thể nào có những cử chỉ trìu mến, hay gần gũi với ba được nữa. Nói một cách khác hơn, giữa ba và chúng tôi như có một bức tường vô hình nào đó ngăn cản. Ba và chúng tôi ít khi trò chuyện trao đổi, có cần gì muốn gì chúng tôi đều nói với mẹ trước. Tôi hay sợ ba rầy và các anh chị tôi cũng vậy.

Rồi thời gian cũng dần bôi xoá cái khoảng cách ấy, nhất là lúc chúng tôi đặt chân tới nước Mỹ. Lúc này tôi cũng đã học xong cấp ba nên khá dạn dĩ và nói chuyện với ba nhiều hơn. Nếu như những ngày còn nhỏ tôi hì hà hị hục tập xe đạp một mình, có lần té lã cả hai đầu gối và tủi thân đến phát khóc vì không có ba bên cạnh thì bây giờ chính ba là người tập cho tôi lái xe hơi đầu tiên. Mỗi chiều, sau giờ tan sở, ba chở tôi ra khu parking trống cho tôi chạy tới, chạy lui... bẻ bên này, quẹo bên kia cho quen tay lái... Nhiều khi tôi quẹo... sảng khiến cả ba và tôi đều hết hồn và sau đó thì cười xoà...

Anh chị em chúng tôi trưởng thành, mỗi người xây đắp cho mình một hạnh phúc riêng tư, một mái gia đình ấm cúng cũng là lúc tuổi ba mẹ tôi đã xế chiều. Cuộc đời ba mẹ tôi gian truân nhiều hơn hạnh phúc, cay đắng nhiều hơn ngọt ngào. Ngày còn nhỏ tôi thích người ta nói mình giống mẹ nhưng bây giờ ai nói tôi giống mẹ hay giống ba tôi cũng đều cảm thấy hạnh phúc như nhau cả và tôi hiểu:

Có cha, có mẹ thì hơn
Không cha, không mẹ như đờn đứt dây

Tôi vẫn chưa lần nói với ba là tôi... thương ba nhưng bài viết này sẽ thay cho những điều tôi muốn nói, dù ba có đọc được hay không cũng vậy, tình thương vẫn mãi mãi nằm ở đó, nơi trái tim hồng vì máu thịt của tôi cũng là máu thịt của ba mẹ kia mà. Phải vậy không, thưa ba kính yêu của con?

(Hết)

061104


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả