Vải thiều quê anh

“Thanh Hà là đất vải thiều.
Ai đi cũng nhớ, ai về chẳng quên.”

Em về thăm Thanh Hà quê anh, một ngày nắng gắt. Từ đường cái, men theo bờ ruộng, đi giữa sống đê ngập đầy hoa cỏ, anh dẫn em đến vườn vải nhà anh.

Bao trùm những cánh đồng lúa trải dài ngút ngàn là một màu loang lổ. Xen kẽ giữa những màu xanh non của mạ cấy mùa sớm là những khoảnh ruộng vẫn còn trơ những gốc rạ vàng ủng màu đất và màu nước. Những cây vải đua nhau chạy lúp xúp theo những triền đê ngăn nước giữa các cánh đồng, đổ bóng xanh thẫm mặt nước những con mương. Hơn trăm gốc vải túm tụm lại thành một ốc đảo xanh chơ vơ, những tàn lá dường như bớt xanh mà nhường cho màu nâu đỏ của những chùm vải trĩu chịt, vườn nhà anh đó. Vải ngập tràn khắp nơi.
Anh trao cho em một chùm vải, vỏ hồng hồng, gai lì, báo hiệu vải vườn anh đã vào mùa thu hoạch. Từng quả vải cùi trong, dầy, hạt nhỏ xíu, vỏ mỏng tang, mang một vị ngọt đượm, thơm dìu dịu.
“Em thấy sao, vải Thanh Hà đó” , anh thì thầm thật nhẹ “ em có biểt quả vải người ta gọi là quả gì không?”
Em lục tìm trong kiến thức của mình, nhớ mang máng mà không dám chắc, em cười cười “em biết chứ, anh không biết mà còn hỏi người ta”
Không thèm chấp tính trẻ con của em, anh lại trầm ngâm kể chuyện
“Quả vải còn gọi là quả lệ chi, gắn liền với tên tuổi vua đen họ Mai, một trong những cuộc khởi nghĩa nổ ra dưới thời kỳ Bắc thuộc, tuy không thành công nhưng cũng góp phần làm nên một trang sử vàng của dân tộc ta đó? Thế em có biết tại sao người ta cứ nhắc đến mùa vải là gắn liền với hình ảnh tu hú không? ”
Em lắc đầu. Anh cười:
“Chuyện xưa kể rằng , có một người tên là Bất Nhẫn, rất nóng tính, tìm đủ mọi cách để hoàn thiện mình như rồi anh ta đều không nhẫn nhịn được. Lần cuối cùng, anh ta cần phải chở 100 người qua sông thì thành chính quả. Bồ Tát hiện ra dưới hình dạng một người thiếu phụ, thử lòng anh ta, gây phiền nhiễu đủ thứ khiến anh ta lại không thể kiềm chế được và nổi cơn tức giận. Bồ tát nói anh không sửa đổi tính nết, thì sẽ không tu hành được, chỉ là tu hú thôi. Rồi anh ta chết, hóa thành con chim tu hú, lúc đó, lúc mà anh ta được gặp Bồ tát, là mùa vải em ạ, nên Nguyễn Bính mới viết
Chưa hè trời đã nắng chang chang,
Tu hú vừa kêu, vải đã vàng.”
Em chen ngang “Em biết mà, em biết nhiều về truyền thuyết và cổ tích Việt Nam lắm đấy, chẳng qua em quên thôi”
Anh lại cười giòn giã
“Em xem, có gì thú vị hơn khi mình được ngồi dưới gốc vải, nhất là trên những doi đất giữa không gian mênh mông như thế này. Đất nuôi sống cây, cây che cho người, người viết nên những vần thơ, nên những câu chuyện về đời cây, hay lắm chứ em, vòng tròn ân tình khép kín mà”.
“Anh biết không, ở Hà Nội em mua vải, có bốn nghìn 1 cân thôi, hàng đắt nhất cũng không quá 7 nghìn, em thấy thương người bán chả mặc cả nữa, thế mà nhiều người mua có 3 nghìn một cân thôi anh ạ, mà vải Thanh Hà thứ thiệt đó”
“Dân quê anh còn nghèo lắm em, đời nông dân khổ lắm, những vườn vải to người ta còn sấy, làm vải khô, làm rượu, xuất khẩu, còn hầu như là toàn bán cho dân buôn để mang lên thành phố thôi, mua tận vườn còn chưa đầy 1 nghìn một cân đâu em. Mất mùa vải cũng lo, mà được mùa vải cũng buồn” anh dõi mắt nhìn ra xa xăm “người ta đang bán dần bán mòn đất trồng vải để sống và làm những khu công nghiệp em ạ”
Gió lùa qua tàn lá, thoảng trên vai anh và em, mơn man đến mát rượi.
“Sẽ chẳng bao giờ những nhà máy kia, những ngôi biệt thự sơn màu lòe loẹt của nhà giàu khắp nơi, ở Hà Nội, Hải Phòng, thay thế cho những vườn vải như thế này chứ anh?”
Anh mỉm cười, không nhìn thẳng vào mắt em “anh mong là như thế”

20/6/04


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả