Hà Nội, nơi dừng chân đầu tiên. *

Chuyến bay China Airlines 0925 đáp xuống phi trường Nội Bài, Hà Nội sau 3 tiếng rưỡi bay từ Đài Bắc về Hà Nội. Mọi người trong đoàn của tôi đều mệt mỏi sau 30 giờ bay và chờ đợi để đổi máy bay tại các phi trường. Tuy mệt nhưng ai cũng vui vì đã tới nơi bằng an. Tôi vẫn không ngờ được là mình đang đứng trong mảnh đất thân yêu Việt Nam sau hơn hai mươi năm rời quê hương. Tôi đang đứng trên thành phố thủ đô của miền Bắc Việt Nam, nơi cha mẹ tôi đã sống cho tới năm 1954, nên cũng có thể gọi là tìm về với quê cha đất tổ. Chung quanh tôi, là tiếng nói của những người Việt Nam đang nói chuyện với nhau, tạo thành một không khí thật ấm cúng. Tôi đã đi qua nhiều phi trường, nhưng không đâu bằng về lại đất mẹ thân yêu, nghe lại được tiếng nói của đồng bào cùng màu da và cảm thấy được mình hoà nhập với mọi người.

Sau khi làm các thủ tục cần thiết, xuất trình hộ chiếu và đi qua hải quan, chúng tôi ra ngoài để lấy hành lý. Một sự ngạc nhiên cho chúng tôi là trước khi về Việt Nam, đã được những người đi trước dặn dò là nhớ bỏ ít tiền vào hộ chiếu và khi đi qua hải quan thì mọi sự sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn. Thật tình tôi hơi bực vì không có gì vô lý hơn khi mình về thăm lại cố quốc mà phải hối lộ để được đi vào, chứ một vài đồng bạc thì đâu phải không có. Nhưng lần này, chúng tôi chẳng phải đút lót gì mà cũng đi qua. Có lẽ là thời gian này đã có nhiều thay đổi trong chính sách đối với kiều bào về thăm nhà chăng?. Tôi vui hơn vì thấy được tệ nạn hối lộ tại phi trường đã được bãi bõ.

Phi trường Nội Bài mới hoàn thành khoảng hai năm nay, nên nhìn rất mới mẻ và sạch sẽ. Chúng tôi đi ra ngoài thì đã thấy anh C. , người hướng dẫn du lịch cho đoàn chúng tôi chờ sẵn. Với một giọng nói rất " Bắc kỳ ", anh đón chào đoàn chúng tôi và sau đó đưa chúng tôi ra xe gặp anh L., người tài xế sẽ lo việc chuyên chở chúng tôi trong những ngày ở Hà Nội và Hạ Long. Trên đường từ phi trường về, xe cộ không đông lắm nhưng càng vào gần thành phố, số lượng xe cộ càng lúc càng nhiều. Một điều đặc biệt ở thành phố Hà Nội là tiếng còi xe được bấm liên tục, đến nỗi mấy đêm đầu tiên chúng tôi khi nằm ngủ tai vẫn còn nghe vang tiếng kèn xe.

Hai ngày ở Hà Nội, chúng tôi được dẫn đi xem nhiều thắng cảnh có di tích lịch sử như hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu và 36 phố phường, nơi đã được nhắc đến rất nhiều trong các tác phẩm của các nhà văn trong Tự Lực văn đoàn ( như Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo... ). Trải qua cả ngàn năm, 36 phố phường bây giờ không còn là các phố Hàng Vôi, Hàng Đào, Hàng Trống... mà chỉ còn là các phố bán đủ thứ đồ vật. Còn trong Văn Miếu, nhiều tên khắc trên các bia đá đã bị xóa đi. Quả thật là không có gì có thể tồn tại mãi với thời gian, chỉ có tấm lòng và con tim của con người dành cho con người là còn lưu giữ lại mãi trong sử sách.

Buổi sáng rảnh rỗi, chúng tôi đi vòng qua phố để coi quần áo. Đi vào một tiệm bán quần áo, tôi bước vào và thấy một bộ coi cũng có vẻ mát mẻ lắm, rất thích hợp cho trời nắng gắt ở Việt Nam. Tôi hỏi cô nhỏ bán hàng:

- Bộ quần áo này giá bao nhiêu hả cô?

- Thưa chú, 120000 ngàn ạ. Mà chú là người từ thành phố Sài gòn vào à. Cháu tưởng chú là dân Hàn quốc chứ.

- Ở đây nhiều người Hàn quốc đến du lịch lắm sao cô?

- Cũng khá đông chú ạ. Mà người Hàn quốc hay trả giá kỹ lắm, cháu không thích đâu.

Cuối cùng thì tôi mua bộ quần áo với giá 100000. Nghĩ lại tôi vẫn cười vì cô nhỏ nói khéo quá, đã chặn đầu trước rồi. Nếu tôi trả giá kỹ quá thì có lẽ thành người Hàn quốc mất thôi.

Nhà cửa ở Hà Nội vẫn còn giữ lại nét cổ kính, nhưng có vẻ không được tân trang lại nên nhiều khu phố lộ rõ vẻ nghèo nàn. Khi có dịp đi thăm thành phố, tôi rất vui khi thấy đã có nhiều nhà mới đang được xây dựng. Giá thành của một căn nhà mới tính theo đô la khoảng từ 2000 đến 4000 đô cho một mét vuông tuỳ theo khu phố. Có lẽ sau một thời gian chìm đắm trong Xã hội chủ nghĩa không tưởng, bây giờ nhà nước đã đồng ý là nền kinh tế và đời sống của người dân là yếu tố chính cho sự phát triển của một quốc gia. Hy vọng trong tương lai, đời sống người dân ngày càng được cải thiện tốt hơn.

Sau 2 ngày ở Hà Nội, chúng tôi ra phi trường để đáp chuyến bay vào Huế. Trong lúc ngồi chờ tại phi trường, tôi chợt thấy tiếc nuối những món ăn đặc sản của Hà nội như bún chả Thăng Long, bánh cuốn Tây hồ, canh rau đay riêu cua, cà pháo mắm tôm, rau muống xào và nhất là những ly rượu nếp cẩm mà tôi đã được uống trong mỗi bữa ăn. Tiếng gọi từ máy phóng thanh kêu mọi người đi ra xe để chở đến máy bay. Giọng Bắc nằng nặng, nghe có chút thân thương mà tôi đã quen tai trong mấy ngày vừa rồi. Tôi bước đi, bên tai vẫn nghe giọng nói đó vang vọng theo mãi. Tôi giơ tay vẫy chào tạm biệt Hà nội, nơi dừng chân đầu tiên khi tôi trở lại Việt Nam sau bao nhiêu năm xa xứ...


* Tặng chị Ái Khanh, người đã khuyến khích tôi viết về chuyến đi này...



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả