Những gương mặt ngày trước

Chị Yến mến

Gia đình anh Hùng được qua Mỹ tháng trước, và có gọi thăm em từ nhà anh Lực. Anh khệ nệ mang tất cả những món quà bên ấy qua, kể cả quà của chị cho em. Tuần rồi, anh ấy dời qua Virginia, cũng có gửi thư thăm em nữa. Anh hai Lực đã gửi các món quà của chị cho em rồi.

Cám ơn chị như thế nào để cho bằng giá trị tình cảm mà chị đã gửi qua cho em đây ? Nhưng chị đừng quá bận tâm gửi quà như vậy nữa làm cho em áy náy lắm. Món dưa mắm thật đặc biệt, nhưng nhà em ít ăn lắm cho nên hủ mắm vẫn còn. Còn chuối và kẹo mãn cầu thì ... hết hay còn cũng chẳng quan trọng bằng cái ngọt ở lại bên trong lòng rất lâu .

Anh Hùng có gửi cho em hình chụp gia đình ở Việt Nam có chị chụp chung. Thật không ngờ mấy mươi năm sau mình lại nối tiếp cái duyên gặp gỡ . Dù chỉ gặp thoáng qua, nhưng quãng đời son trẻ lúc xưa hiện ra dài dẵng, sống lại trong chúng mình thật mạnh mẽ .

Em rất ít giờ để viết thư chị ạ, nhưng không phải vì thế mà quên những kỷ niệm xưa của chúng mình, ngây ngô và êm ái. Thời gian chỉ có 2 năm với nhau. Em được chị bảo bọc như một người em yếu đuối, dù em bằng tuổi chị. Chị lúc nào cũng bao biện những công việc nặng nề, không bao giờ nạnh hẹ . Em còn nhớ, trong nhà mình ở có ba đứa con gái, Hằng, chị và em, bằng tuổi nhau, mỗi đứa có trách nhiệm rửa chén một ngày, và luân phiên nhau. Mỗi lần em rửa chén sau chị Hằng thì y như là có những cái nồi ngâm từ hôm trước để lại.

Mình rất sợ rửa nồi, nhất là nồi mắm, cho nên thường không vui. Nhưng nếu chị Yến rửa chén ngày trước em, thì y như rằng tất cả đều sạch sẽ. Em có cảm tưởng như chị muốn rửa luôn cho em ngày sau nếu em cho phép vậy. Vậy mà, những lúc chị đùa giỡn với em, chị còn bị Dì Út rầy:

- Coi chừng con làm gãy cánh tay ốm yếu của con T. đấy nhé!

Vui hơn nữa là chuyện này. Mỗi lần ba của chị, bác Hai, đi núi về mang những quả mít ngon lành, chị lụi hụi cắt xẻ thành từng múi, rồi cho vào bình thủy lạnh để chia cho cả nhà và lũ em đông. Lúc nào bác Hai cũng dặn chị :

- Có chia phần cho con T. chưa?

Thế là chị nhẹ nhàng bảo em:
- Ăn đi nhe hông, đừng để lâu coi chừng tụi thằng Đỗ, thằng Đố, ăn hết.

Nói chưa xong thì đám Đỗ và Đố kéo về. Mình nhớ cái kiểu chị mời tụi nó mà không thể nín cười được:

- "Nè, Đỗ, Đố, phần của tụi bây mỗi đứa 2 múi trong tủ. Ăn hỏng ăn thì tao ăn hết à nhe."

Nhớ xưa, mình ở trong hoàn cảnh bó rọ khuôn phép, bỗng lớn lên tung hoành tứ hải cả mấy chục năm. Thật là không ngờ. Thế mà cũng gặp lại. Nghe anh Hùng nói, một năm tháng nào đó, khi anh làm có tiền sẽ đi thăm gia đình T. Không biết có làm được không . Nhưng thăm như vậy tốn kém lắm, mà lúc về thì T. rất sợ nó … ray rức hơn trước khi gặp nữa, chả biết chừng.

Trong hình em thấy anh Hùng bây giờ trông già gần giống anh hai Lực (nói người ta mà không biết mình đã già bao nhiêu rồi !). Để hôm nào, T. chụp hình gửi cho anh Hùng, coi anh ấy nói sao . Chắc anh ấy cũng nói "Con T. bây giờ già quá hén". Nghĩ đến dây hỏng muốn gửi nữa . Như vậy là huề thôi. Thật ra, cái nét già chỉ là cái đánh dấu thời gian. Nhìn xuyên qua cái lớp thời gian đó thì sẽ thấy những đường nét ngày xưa, thơ ngây hồn nhiên sẽ hiện ra ngay .

Nhiều lúc mình tưởng tượng ra tâm lý của mẹ mình, một bà già hơn tám mươi lăm . Chắc chắn bề ngoài thể xác già yếu đủ mọi vấn đề, nhưng tâm hồn thì không nghĩ rằng bà đã trải qua thời gian lâu trên trái đất như thế. Nếu gặp một người nào cùng thời với má em, chắc bà cũng sẽ líu lo nủng nịu với nhau như ngày xưa . Chắc họ sẽ nói tiếng ngày xưa, trao đổi những ý tưởng gì đó mà ngày xưa họ thường nói, nhưng có thể bằng ngôn ngữ mới, sẽ có những nụ cười bí hiểm, mà chỉ có họ mới hiểu với nhau mà thôi .

Bên cạnh cậu Hai, em thấy mợ Hai thật là mong manh ốm yếu. Cậu Hai tuy già, ốm, nhưng nhìn thần khí có vẻ vững chải, chắc chắn, và đầy sức khỏe. Còn chị, đầu đã bạc hơn em, gương mặt có vẻ suy tư nhiều hơn . À thì đó là lẽ đương nhiên thôi . Ai lớn lên lại chẳng mang thêm vẻ trầm ngâm già giặn như thế. Cứ lâu lâu mình đem hình chụp vài năm trước ra xem . Thấy những lúc đó trẻ quá. Thật ra là sao ? Lúc đó mình trẻ quá, và hiện tại thì vừa tuổi (?). Ít khi nào mình nghĩ rằng "hồi đó …vừa tuổi, có nghĩa bây giờ già quá."

Má em tuần trước bệnh trong người, bà cứ lo sợ ngày đến gần, thấy rõ. Em chẳng biết an ủi thế nào. Mấy năm trước em có bắt chước được đâu đó câu nói dóc thật dễ thương:
- "Má không bao giờ chết được !"

Nhưng bây giờ, câu nói đó ngày càng trở nên giả dối làm sao đó, không thể thốt ra nữa.

Em bỗng thấy trong tấm thân gầy gò bé nhỏ của một người già như má em đây, dường như gói ghém cả một thế kỷ kỳ bí, một chuỗi dĩ vãng bí mật. Bỗng thấy ở đó là một kho tàng biết đi . Một kho tàng không có cửa ra vào, bởi vì họ không phải là những văn sĩ, hay sử gia, để lại cho người khác những báu vật.. Họ không bao giờ có những ngày "Open House" để cho khách thăm viếng. Con cái cứ bương chải đây đó để kiếm ăn mỗi ngày, chẳng có giờ để lục lọi các kho tàng trong những người già cả. Nhiều khi thì giờ còn lại chỉ để trang trãi những dị biệt của hai thế hệ mà thôi.

Buồn quá phải không chị Yến. Một ngày nào đó, mình cũng ôm cái kho dĩ vãng kéo lê thê trong nhà, trở thành các bảo tàng viện biết đi và không cửa ra vào như thế. Thôi thì bây giờ Mơ cố gắng mở vài cánh cửa sổ, trãi dài trong trang giấy này tất cả những kỷ niệm ngày xưa,

không nói nhưng đã hiểu,

không gợi cũng đã cảm,

không tả nhưng cũng thấy , … những cuộn phim dĩ vãng phải không chị ?

Thương mến


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả