Rượu Cần


Nếu như có ai nhắc đến Cao Nguyên, nhắc đến Phố Núi mà chỉ nhớ đến những chiếc nhà sàn nho nhỏ, đến đàn T'rưng, đến má đỏ môi hồng, đến sương mù, thông xanh...v..v... mà quên đi mất ché rượu cần và những tiếng cồng, tiếng chiêng thì Nó sẽ chạy ra sau nhà, đào lên ché rượu cần đã ủ sẵn gần 10 năm nay để người đó sẽ sực nhớ ngay đến "hương vị" không thể thiếu của Cao Nguyên liền thôi.

Chỉ có những ai đã từng sống với Cao Nguyên, với Phố Núi, hoặc ít ra còn nặng nợ với Cao Nguyên, với Phố Núi thì mới hiểu hết cái thiêng liêng, cái vui thú khi ngồi quây quần bên ché rượu cần ở một buôn làng nào đó, giữa một đêm hội mừng nào đó chẳng hạn.

Nó thì có được may mắn là từ hồi còn bé tí xíu đã được theo mấy cậu đi "thăm" mấy ché rượu cần này rồi. Sau này, khi Bố của Nó đã trở về lại nhà sau những năm tháng mà người ta vẫn hay gọi là "cải tạo" thì con bé lại được theo Bố đi thăm các buôn làng nhiều hơn, được "ngắm" những ché rượu cần cũng nhiều hơn, được các "bặp" cưng hơn, được cưỡi voi nhiều hơn, được đi hái phong lan nhiều hơn,.....và lẽ dĩ nhiên, hiểu nhiều hơn về "rượu cần" chớ bộ. [Bố ơi, khi không con thèm được nhìn lại ché rượu cần quá đi thôi mất, thèm được nếm lại vị ngòn ngọt của rượu cần nữa há Bố !!!!]

Cho những ai chưa biết rượu cần là gì nè :

Rượu cần thì chẳng cần phải giải thích thì ai cũng biết đó là một loại rượu rồi kia mà, cũng như trăm ngàn loại rượu ngoài kia vậy thôi. Thế nhưng rượu cần của Cao Nguyên, của Phố Núi thì được những người dân tộc thiểu số [như K'Ho, Giarai, Rhade, v..v....] làm từ bắp [ngô], sắn hay có khi là lúa gạo. Khác với các loại rượu khác vì rượu cần thường được mang đem chôn một thời gian rất dài sau khi đã ủ men. Các "bặp" [các trưởng làng] trong buôn chỉ đào & đem rượu cần lên khi có dịp lễ hội hoặc chỉ để mừng khách quý mà thôi. [Bố ơi, khi nào thì Bố con mình lại được về thăm các "bặp" nữa hả Bố ????]

Rượu đế thì người ta đựng trong chai, đong bằng xị này, xị kia. Rượu tây cũng được đựng trong những chiếc chai cổ dài, cổ ngắn, đế lõm, đế lồi, v...v... Riêng rượu cần của Cao Nguyên thì lại được đụng trong những cái ché [hình giống những chiếc chum, chiếc vại nhưng cổ nhỏ và hình thon hơn]. Nó còn nhớ là những ché rượu cần đó có rất nhiều ống nhỏ được cắm trên miệng ché để cho những người uống rượu cần có thể "hút" rượu từ ché ra. Khi uống thì thường các "bặp" hay các thanh niên trong buôn sẽ đổ nước vào ché rượu. Nước này đã được các Mạ [mẹ], các chị trong buôn gùi về từ các con suối ở nơi thượng nguồn trong rừng lận nha.

Mấy ché rượu cần này coi vậy chứ những buôn làng dân tộc thiểu số ở Cao Nguyên coi như là một vật vô giá đó nhen. Ché rượu cần có thể coi như giá trị và thiêng liêng như những chiếc vòng đeo tay hay những bộ chiêng trong gia đình của họ vậy đó. Hồi còn bé [chắc khoảng 7,8 tuổi gì đó], Nó có vô tình đòi xin "bặp" H'tiêng ở buôn Bô Liêng một ché rượu cần mang về nhà [tại hồi đó còn con nít mà, biết gì đâu]. "Bặp" H'tiêng cười rồi nói là nếu Nó mang ché rượu cần về nhà thì "bặp" sẽ "bắt cái hồn" của rượu ở lại. Lúc đó, Nó hổng hiểu gì hết, sau này về hỏi Bố mới biết là "cái hồn rượu cần" cũng chính là hồn thiêng sông núi của buôn làng Bô Liêng đó thôi. Vậy mà một chút xíu nữa thì Nó đã "bắt cái hồn" của rượu cần đi mất tiêu rồi !!! hì hì hì

À, quên mất không nhắc đến hương vị của rượu cần cho bà con thèm chơi héng. Hương vị này cho dù xa cả gần chục năm nay, đã không nếm lại cũng gần cả chục năm nay, nhưng Nó còn nhớ và nhớ lắm cơ [bật mí nho nhỏ nè, Nó đã biết uống rượu cần từ năm 14 tuổi lận, tại ham đi leo núi dzí người lớn mà !! suỵt ! đừng la to nhen.....] Vị của rượu cần một khi đã thử qua rồi thì không tài nào lẫn lộn với bất cứ một loại rượu nào khác trên thế giới này cả. Nếu ai đã từng ngồi xoay quanh ché rượu cần và uống rượu cần bên bếp lửa nhà sàn [được nghe đàn T'rưng ngân nga khúc trầm bổng, khúc thánh thót] vào những đêm đông giá lạnh của mảnh đất Cao Nguyên, Phố Núi thì khó có thể quên nổi cái "vị rượu cần" này lắm. Cái ngọt của rượu nếp, cái cay của rượu đỏ vùng Bắc Âu, cái say của đất, cái nồng của lúa gạo,v..v..... tất cả như quyện hết vào nhau. Cái ngọt ngào đó làm cho người uống say lả lúc nào cũng không biết, thế mới lạ. Cái ngây ngất của rượu cần, của ánh hồng bếp lửa, của tiếng đàn T'rưng, của tiếng cồng, tiếng chiêng......làm cho người dân ở Cao Nguyên, hay ngay cả những "anh khánh lạ" cũng mê mệt, say đến tận cõi lòng ! Thật đấy !!!

Nhớ ơi là nhớ cái hương vị rượu cần của những đêm đông Cao Nguyên - dấu yêu ơi !




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả