Lối Về Thơ Ấu

(tùy bút)

Tôi vẫn thường hay có những lúc miên man nhớ về tuổi thơ của mình. Đấy là lúc tôi thấy mệt mỏi với cuộc sống hiện tạị, với sự rong đuổi hạnh phúc. Tôi tìm về với kỷ niệm tuổi thơ . Xa xăm - hun hút nhưng bình yên và thanh thản biết là bao. Trên lối về thơ ấu, tôi bắt gặp sự hồn nhiên và trong sáng, tựa như nụ cười và ánh mắt trẻ thơ. Tôi thấy Bà Tiên cầm chiếc đũa thần và tôi thấy có 3 Hạt Dẻ dành cho Lọ Lem.

Không phải tuổi thơ nào cũng thần tiên như những trang cổ tích. Tuổi thơ của tôi đã biết ngồi lặng lẽ nơi xó nhà khóc cho nỗi buồn của gia đình. Người ta vẫn thường bảo cứ vô tư, ngờ nghệch một chút thì sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Tôi không tin thế, nhưng tôi nghĩ nếu ý thức được nhiều việc quá thì cũng chẳng vui vẻ gì hơn. Nhưng hồi bé dẫu không vui thế nào đi nữa, khi hòa vào chơi đùa cùng đám bạn thì nỗi buồn gì cũng bị quên bẵng đi, tưởng dường như không hề có chuyện gì xảy ra. Trẻ con thường biết sống với những phút hiện tại. Chỉ khi chúng ta đã lớnn, dẫu cười cười nói nói đấy nhưng biết đâu là để giấu những giọt nước mắt trong lòng.

Tôi thường thắc mắc tại sao người lớn lại hay cấm trẻ con vẫy vùng thỏa thích vơ’i thế giới hồn nhiên của chúng ? Trong khi họ vẫn cứ ngồi tiếc mãi cho tuổi thơ của họ đã qua đi không bao giờ trở lại được. Tôi nhớ hồi bé, mẹ tôi thường bắt tôi ở nhà ít cho ra nô đùa cùng chúng bạn. Mẹ tôi hiền lắm nhừng mỗi lần bà trừng mắt bắt tôi đi ngủ trưa thì tôi lại sợ vô cùng. Nhưng sợ thì sợ, tôi vẫn trốn ngủ lén theo lũ bạn để vẫy vùng thỏa chí với những trò chơi tuổi thơ. Ôi, những trò chơi đã nuôi dưỡng những tâm hồn ngây thơ, những tình bạn trong sáng và những kỷ niệm tuyệt vời.

Không kể xiết những trò chơi tuổi thơ vì trẻ con chúng tôi rất thông minh và sáng tạo. Chỉ một cái nút chai, một hột nhãn, một lon sữa cũng trở thành trò chơi đầy thú vị. Dường như không có’ trò chơi tuổi thơ nào mà tôi bỏ qua cả: từ nhảy dây, banh đũa, lò cò, nhà chòi, bán hàng, đến bắt bị, chọi
đáo...Con hẻm nhỏ của chúng tôi buổi trưa nào cũng bị huyên náo cả lên bởi bọn tôi, con Ngân, con Dung, bé Phượng, Mẻ Nhỏ, thằng Quốc, thằng Hiếu, cu đen, cu Đức...Chúng tôi la hét, cười đùa, cãi vả, rồi lại say sưa hết trò chơi này đến trò chơi khác. Tôi còn nghe lanh lảnh tiê’ng bé Phượng đếm năm, mười, mười lăm...những lúc chơi trốn tìm mà lần nào tôi cũng trốn ở chỗ khó tìm ra nhất. Tôi nhớ mồi lần chơi tạt lon, bọn tôi thường "phe" với nhau cho thằng cu Đức lượm lon đừ luôn. Bọn tôi rất ghét Mẹ của nó vì hỡ chútt là cứ "con vàng, con ngọc của tôi" cho nên mỗi lần chơi trò gì, bọn tôi cũng "hè" nhau cho nó thua để bỏ cái tánh"cậu ấm" của nó. Con Ngân là đứa hiền và khờ nhât bọn nên thường hay bị tôi bắt nạt luôn. Mỗi lần chơi Ô Quan bị thua là nó đều bị tôi búng lỗ tai đến đỏ hoe mà chẳng dám kêu đau. Ấy vậy mà sau này trong đám bạn, nó lại là đứa thương tôi nhất (?).

Tôi nhớ những buổi chiều theo cu đen, thằng Hiếu chơi thả Diều. Tôi say mê nhìn con diều của mình phấp phới trên bầu trời lộng gió. Hôm nào thả chán chúng tôi leo lên nóc nhà bày trò "câu diều". Chúng tôi cột sợi dây cước qua cục gạch nhỏ và rồi "phựt" - con diều xấu số của đứa nào đó bị chúng tôi tịch thu làm của riêng. Vào những buổi tối sáng trăng và bị cúp điện, chúng tôi thường trải mảnh chiếu con dưới gốc cây Bồ Đề giữa xóm và cùng hát nghêu ngao: "Ta hát to hát nhỏ nhỏ nhỏ... Rồi mình ngồi kể chuyện cho nhau nghe..hơ..hớ ...hơ.. ". Rồi chúng tôi ngồi kể cho nhau nghe về những mơ ước của mình. Ước mơ tuổi thơ của đứa nào cũng cao đẹp và bay bổng như cánh diều. Có đứa ước sau này trở thành bác sĩ để cứu người, có đứa mơ thành luật sư để bênh vực cho lẽ phải ... Tôi thì ước trở thành cô gia’o về miền quê thật xa để dạy trẻ em nghèo. Tôi đã không trở thành cô giáo và cũng không muốn trở thành cô giáo nữa. Nhưng tôi vẫn ấp ủ ước mơ ấy như là một kỷ niệm đẹp của thuở ấu thời.

Tôi nhớ mãi hồi bé, tôi rất thích một con búp bê ngọai, có mái tóc vàng óng ả, có’ đôi mắt xanh lơ biết nhắm mở và mặc chiếc áo đầm bằng vải ren mầu hồng. Nhưng Ba Mẹ tôi chỉ mua cho tôi con búp bê nội địa cứng ngắc, tay chân không biết cử động gì cả. Đến khi chị 3 tôi vượt biên sang Úc, lá thư đầu tiên tôi viết, với nét chữ ngờ nghệch, là xin gửi cho con búp bê mà tôi ao ước. Nhưng mãi đến năm tôi 13 tuổi (tuổi của Nguyên Sa đã biết yêu rồi) thì chị tôi mới gửi cho và còn kèm theo một con búp bê giống y như vậy cho đứa cháu 3 tuổi con của người chị 2. Tôi cứ bị cả nhà trêu mãi: "Lêu lêu Dì Út dành chơi búp bê với cháu !" Tôi không cảm thấy mắc cỡ mà còn nâng niu con búp bê vào lòng, sung sướng vì một ướ’c mơ đã thành hiện thực.

Người ta ví thời gian như giòng sông không bao giờ chảy ngược. Tôi đã lớn. Ba Hạt Dẻ ngày xưa không còn đủ để cô bé Lọ Lem thực hiện những mơ ước rất bình thường. Ai cũng nghĩ hạnh phúc là khi ta biết sống với hiện tại. Tôi thì thích câu nói của một ai đó: "Không có hạnh phúc. Chỉ có những khoảnh khắc của hạnh phúc". Khoảnh khắc hạnh phúc của tôi là tuổi thơ đã xa rồi....

"...Tiếng trẻ thơ vẳng đâu từ phố nhỏ
Bỗng thấy làm người lớn quá bơ vơ..."
(thơ Nguyễn Danh Lam)

Adelaide - tháng 08/98


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả