Thương Sao, Mùi Ổi Chín

Nắng sau cơn trưa. Nắng mênh mông gói trọn thần tiên của những ngày tháng chạp. Những phiến nắng óng ánh nhỏ giọt trên giàn bầu bí đằng sau khoảng vườn rộng thênh thang làm vàng cả lối đi mòn thơm mùi mạ đất. Cơn gió nghiêng mình, trở giấc lai vãng gọi mời, đẩy đưa mùi thơm ngọt dịu của những trái ổi đã bắt đầu chín tới, nở trái mùa trên cây ổi trồng bên hè nhà. Bên lối đi, uốn mình theo hàng khế ngọt đong đưa những nụ tím bâng quơ là những cụm me đất và những đám rau càng cua chen chúc nhau, xô giạt khi cơn gió chiều hôm bỗng chốc trở mình.

Vọng ngồi bên bồ lúa, gom rơm lại thành đống rồi chia ra bó thành từng bó nhỏ. Chàng lấy dây lạt cột từng bó rơm và chất vào góc vựa. Bên cạnh chàng là hai con bò sữa, đang thong thả nhai từng cọng rơm vụn, ve vẩy chiếc đuôi con, trông ra chiều khoái chí. Gương mặt Vọng lầm lì, không lộ vẻ gì suy tư hay lo lắng. Như đã ưng ý vói đống rơm rạ vừa bó xong, Vọng đứng dậy vừa đưa tay áo lên lau lớp bụi rơm trên mặt, vừa đi lại chỗ hai con bò. Chàng đưa tay vỗ nhẹ vào lưng bò nâng niu và kiểm lại sợi dây cột chúng vào trụ gỗ, tưởng chừng như sợ ai bắt đi. Xong chàng đi về phía bồ lúa, lấy cái thúng và con dao lưỡi liềm dợm chân đi về phía bờ ruộng. Xa xa, tiếng xe hàng chạy qua chiếc cầu bắc ngang sông Mộc Dinh vọng về nghe rõ tiếng. Vọng đứng nhìn về phía cầu một lúc, rồi đi ngược trở lại, vào nhà.

Khi Vọng đang cầm ấm nước uống ừng ực thì có tiếng xe gắn máy nổ lạch tạch, lạch tạch ngoài sân trước một lúc rồi tắt hẳn. Vọng rướn người nhìn ra. Tiếng của Hai Chân vang vang ngoài sân, nói vọng vào:
- Có ở nhà hôn, Vọng? Mày có nhà hôn?
Vọng đưa tay quẹt ngang miệng, vội vàng chạy ra.
- Làm gì mà như cháy nhà vậy?
Hai Chân cố tìm cách dựng chiếc xe gắn máy cho đứng vững, nhưng vì đất lún nên nó cứ chực ngả nghiêng. Vọng lại gần, kê một miếng gạch nhỏ vào, rồi dùng tay lắc nhẹ chiếc xe:
- Được rồi . Chắc hổng sao đâu.
Hai Chân rút chìa khoá xe ra và theo Vọng đi vào nhà.
- Trời ơi, con Hai Ngọt nó dìa kìa ông ơi. Chèn ơi nó đẹp hết biết.
Vọng đưa tay lên vừa lau mặt, vừa hỏi :
- Ông nói cái gì ? Con Hai Ngọt nó dìa hả. Thiệt hay giỡn chơi vậy ông? Sao ai nói nó chết rồi mà!.
Vọng ra chiều suy nghĩ rồi nói tiếp :
- Người ta nói nó đi ra nước ngoài chết rục xác từ lâu rồi.
Hai Chân đưa hai tay lên trời phân trần:
- Nó chết ở đâu thì tui hỏng biết. Nhưng bây giờ nó dìa sờ sờ kia kìa. Nó dìa bằng xương bằng thịt đàng hoàng mà.
Vọng mở hộp củ kiệu mời Hai Chân:
- Nhậu chơi chút đã. Nhưng . . . . .ông gặp nó hồi nào mà ông nói vậy ?
- Tui có gặp nó đâu. Tui đem quầy chuối ra bến, giao cho má con Nương. Rồi họ kể cho tui nghe đó chớ. Tui có biết ất giáp gì đâu. Mới tức thì đây.
Vọng trầm ngâm một lúc rồi hỏi tiếp:
- Vậy thì nó dìa, nó ở nhà ai kìa?
- Chắc lại ở nhà bà con của nó, má thằng Nua, chứ còn ai nữa. Mà . . . nó có thiếu gì bà con ở lanh quanh đây, hơi đâu mà ông lo.
Vọng rót một ly bia, đưa cho Hai Chân:
- Uống đi. Mừng nó dìa.
Hai Chân cầm ly lên uống một hớp rồi để ly xuống, cười cười:
- Cha! Tình nghĩa giữ đa. Sao hỏng mời nó qua đây cụng ly có phải là trọn vẹn tình chung hông cà.
Vọng lim dim đôi mắt:
- Mà nó dìa mầng chi vậy kìa?
Hai Chân gắp một miếng củ kiệu bỏ vào miệng nhai, giòn nghe thành tiếng:
- Nghe đâu nó dìa để hốt cốt cho tía má nó thì phải. Chèn ơi ở ngoài bến sông ai cũng nói là bây giờ nó đẹp lắm, đẹp như là tài tử xi cà la ma, xì tát lét đó.
Vọng nốc cạn ly bia:
- Hồi xưa nó đâu có xấu.
Hai Chân gác một chân lên ghế:
- Tui có nói nó xấu hồi nào đâu. Nhưng bây giờ nó còn đẹp hơn hồi xưa nữa. Bà Bảy Cò Cưa nói là bây giờ nó đẹp hơn hồi xưa nhiều. Nghe đâu nó còn có tên tây, tên đầm gì nữa đó.
Vọng đặt ly bia xuống bàn, thắc mắc nhìn Hai Chân:
- Vậy thì lúc gặp nó, ông gọi nó bằng cái gì?
Hai Chân nhăn nhó:
- Tui đã gặp nó đâu. Nhưng nếu gặp thì ...
Vọng nhìn vào ly bia :
- Hổng lẽ gọi nó bằng tên tây, coi sao được.
Hai Chân chặc luỡi:
- Chắc phải gọi tên cúng cơm Hai Ngọt của nó chứ còn gọi là cái gì bây giờ.
Vọng gật đầu ra chiều tư lự:
- Vậy tên Tây của nó là gì vậy?
Hai Chân đưa tay gãi đầu:
- Cha ơi, cha lộn xộn quá. Nó chưa nói cái tên Tây của nó cho tui biết . . . Mà nó chưa nói cho ông biết thì làm sao tui biết được. À, mà bộ nó chưa qua thăm ông sao?
Vọng vừa lắc đầu, vừa hỏi:
- Nó dìa lâu chưa?
- Ba, bốn bữa nay rồi.
- Chắc nó còn mệt.
Lúc đó Hai Chân đứng dậy:
- Tui phải đi lấy mấy bao phân bón trước Tết. Mai gặp nghen.
Vọng tiễn Hai Chân ra cửa. Khi Hai Chân rồ máy xe đi rồi, Vọng còn đứng ngẩn ngơ ngoài sân, mắt hướng về phía cầu Mộc Dinh lắng nghe nỗi nhớ tràn dâng. Hai Ngọt trở về. Hình ảnh Hai Ngọt, người con gái quê mùa của làng Mộc Dinh năm nào, chuyên sống bằng nghề bán ổi chín dưới gầm cầu, đã có sự đổi thay? Tại sao nàng lại có tên Tây, tên Tàu gì đây? Một câu hỏi lớn hiện ra trong đầu Vọng. Chiều xuống dần. Ngày đang hấp hối. Sắc nắng bắt đầu nhạt phai chỉ còn lại những tia yếu ớt ngẩn ngơ trên giàn hoa ti gôn trắng dại, uốn mình bám vòng theo chiếc hàng rào gỗ thưa đã bị đổi màu vì bụi thời gian.

Vọng đứng thật lâu trước tủ, nhìn tới nhìn lui chồng quần áo của mình. Những chiếc sơ mi sắc màu loè loẹt mà chàng đã mặc ngày nào khi đi chơi với Hai Ngọt, đã được xếp gọn nằm trong góc tủ. Tần ngần một lúc lâu, chàng quyết định chọn cái quần Ka-Ki màu xanh đậm và chiếc áo sơ mi màu hồng nhạt ướm thử vào người. Tiếng gọi nhau ơi ới từ con kinh đào phía sau vườn vọng vào. Chàng bước ra. Hai chiếc thuyền nhỏ đang tranh qua mặt nhau trong lòng con lạch. Nước đục một màu như sữa. Từng đám lục bình bồng bềnh, nhấp nhô theo dòng nước. Hai hàng dừa chạy dọc theo con kinh, ngả mình lài lài trĩu nặng những trái dừa xanh bóng. Những tàu lá dừa xanh đã cắt vẽ trên khoảng trời xanh bao la những dáng hình thơ mộng. Nhìn quanh một lúc, Vọng đi vào nhà tắm, múc nước dội lia lịa lên người. Chàng nghe tiếng lòng của mình trôi theo giòng nước chảy. Mười năm không gặp. Mười năm không một tin tức. Ra đi không một lời giã từ. Bỗng dưng người ta trở về bằng xương bằng thịt. Thiệt vậy sao! Hai Ngọt đã trở về.

Mặc xong quần áo, Vọng ngắm mình trong gương. Chàng lấy lược chải đầu và không quên bôi thêm chút dầu dừa làm dáng. Sau khi đóng cửa, Vọng lấy cây song hồng chắn lên trên cho chắc rồi đi ra phía trước. Tiếng nổ giòn tan của một loạt xe gắn máy đang tiến về phía nhà Vọng càng lúc càng gần. Cuối cùng xe ngừng lại ở trước sân. Nào Hai Chân, nào Lộc, nào Thân . Lộc nhìn Vọng hỏi:
- Trông láng vậy?
Vọng nhìn xuống bộ quần áo đang mặc:
- Láng đâu mà láng. Đồ này mặc hoài rồi mà.
Hai Chân vừa cười, vừa nói :
- Phải láng chứ. Nếu không, lỡ gặp nàng ở giữa đường giữa chợ thì sao.
Lộc gật đầu :
- Có lý đấy.
Thân nói:
-Bây giờ đi đâu đây? Qua quán bà Bảy Cò Cưa nghen.
Lộc hỏi:
- Chiều nay bả có cái gì nhậu vậy?
Hai Chân nhìn Vọng:
- Hình như lẩu rắn hổ phải không Vọng?
Vọng nhún vai:
- Hỏng biết. Chỉ có đầu tháng . . . .
Thân cắt ngang:
- D-ặc biệt gần Tết bả cũng nấu nữa.
Vọng nói:
- Nếu không qua Trường Tiền nhậu chuột đồng lùi xả ớt cũng ngon vậy. À, mà mấy đứa kia đâu rồi?
Lộc nói :
- Chắc bọn thằng Ngố chờ bên quán bà Bảy Cò Cưa đó. Thôi dông qua đó trước di rồi tính sau. Tụi nó chờ lâu chửi cho tắt bếp luôn.
Vọng leo lên yên sau, đi cùng xe với Hai Chân. Nắng tháng chạp trải rộng trên cánh đồng cỏ xanh ươm một màu vàng tơ óng mịn. Những cánh chim giăng mình tung bay trong khoảng không mênh mông vầng lên trên nền trời xanh bao la những chấm đen lay động. Bên lề đường chỉ có vài ba người đi bộ. Mỗi lần thấy người đàn bà nào đi trên đường Vọng đều ngoáy cổ lại nhìn xem có phải là Hai Ngọt hay không. Khi xe chạy trên cầu Mộc Dinh, Vọng cảm thấy lòng dạ xốn xang. Nhìn nước chảy lững lờ bên dưới, chàng nhớ về mùa ổi năm xưa khi chàng gặp Hai Ngọt vào đầu mùa ổi chín.

Quán của bà Bảy Cò Cưa đông nghẹt vì món lẩu rắn hổ độc đáo của bà. Hổng biết bà bắt rắn thật hay lấy lươn thế vào, nhưng phải công nhận là món này của bà ngon hơn các quán khác quanh đây. Những ngày khác thì bà chỉ có các món thường nhật độ qua ngày như là bún nem, bánh tầm bì, gỏi cuốn. Vào mùa ốc gạo thì có thêm món gỏi cuốn ốc gạo.
Sau khi đậu xe, Vọng cùng với Hai Chân, Lộc và Thân bước vào quán. Cuối góc quán, bọn thằng Ngố đã tụ họp đông đủ. Thấy bọn Vọng vào, Liễng vừa cười vừa nói:
- Tao tưởng tụi bây lo làm kiệu để đón rước em Hai Ngọt chớ.
Thân hỏi:
- Tại sao vậy?
Liễng xen vào:
- Trời ơi, giờ này mới vác mặt tới. Đói gần chết.
Lúc đó bà Bảy Cò Cưa đem lẩu rắn hổ ra, mùi thơm phưng phức. Trong lúc cả bọn bắt đầu nhậu thì Thiếp chạy vào hớn ha, hớn hở:
- Trời đất ơi, có thằng Vọng đó hôn tụi bây?
Vọng lên tiếng :
- Tao ngồi sờ sờ đây mà mầy hỏi cái gì vậy?
Thiếp kéo ghế ngồi xuống, trong khi cả bọn cùng hướng mắt về phía Thiếp:
- D-ẹp chưa từng thấy? Mày phải theo tao. Sao tao nhớ hồi xưa con Hai Ngọt ốm nhom, ốm nhách, từ trên xuống dưới xẹp lép như tàu lá chuối . Vậy mà bây giờ nó ngon lắm tụi bây ơi. Trông hấp dẫn hết xảy.
Nói đến đây Thiếp đứng lên, cùng kéo Vọng đứng theo để đo chiều cao :
- Hỏng biết ra nước ngoài nó ăn cái gì mà nó cao dữ vậy. Mầy đứng cao lắm tới nách nó là cùng. Ở đây tụi mình ăn bún bạt mạng, mà sao không dài thêm ra được gang tấc nào cả vậy.
Hai Chân rót bia ra ly:
- Nó mang giày cao gót đó cha.
Thiếp gắp một miếng rau cho vào miệng:
- Cao gót cũng vừa vừa thôi chứ nếu cao quá chắc có ngày té gãy cổ chết. Tui thấy nó đi bên bờ ruộng, cà ẹo cà ẹo, sao tui sợ nó lọt xuống ruộng quá.
Vọng nôn nóng muốn biết thêm, nhưng cố làm tỉnh:
- Mày gặp nó hồi nào vậy? Có nói chuyện hông?
- Thì giờ đâu mà nói chuyện.
Lộc đẩy ly bia về phía Thiếp:
- Nghe đâu nó có tên tây, tên đầm gì đó mà.
Liễng cười hô hố:
- Tên nghe hấp dẫn lắm . . . . như người vậy.
Lập nhìn Liễng, nháy mắt:
- Tên hấp dẫn như thế nào, nói nghe coi. Mày rành sáu câu quá mà.
Liễng dựa lưng ra phía sau:
- Ậy! Ậy! Đừng có nói bậy. Tao có quen biết gì với nó đâu mà rành. Bậy bạ hoài. Sao tụi bây không hỏi thằng Vọng đó. Nó ngồi như trời trồng kìa.
Vọng thở dài:
- Tao hỏng hiểu tụi bây nói cái gì hết.
Liễng cười hô hố:
- Thôi đi cha còn làm bộ nữa.
Hai Chân cầm ly lên kêu cả bọn cùng uống :
- Vô tụi bây. Vô!
Thế là cả bọn cùng cụng ly cười hả hê. Chín Lóng để cái ly xuống, lấy đũa gắp một khoanh rắn cho vào chén:
- Chắc tụi bây nghe lầm rồi. Tên Tây gì sao nghe giống tiếng Việt vậy.
Lúc đó bà Bảy Cò Cưa đi ngang, Chín Lóng kéo bà lại hỏi:
- Thím Bảy nè, thím biết tên Tây của con Hai Ngọt là gì không?
Bà Bảy Cò Cưa sổ cái khăn sọc rằn trên đầu xuống, rồi đội lại:
- Tây u gì, tui có biết đâu.
Chín Lóng nói:
- Sao nói bà gặp nó rồi mà?
Bà Bảy gật đầu:
- Gặp rồi nhưng tui đâu có nhớ.
Ngố nhắc khéo:
- Cái gì mà vén quần, vén áo đó.
Chừng như nhớ ra điều gì, bà Bảy cười lớn thành tiếng:
- Ừ! Ừ! Phải đa. Vạch quần lên hay Vén quần lên gì đó.
Vọng nheo mắt nhìn ra ngoài hiên. Nắng ban chiều lấp lánh trên tàng cây trứng cá. Qua ánh nắng, Vọng thấy hình ảnh của những ngày xa xưa hiện về trộn lẫn với mùi thơm của ổi chín.

Năm đó, vào một ngày tháng sáu khi ổi hồng đào bắt đầu chín tới. Vì được mùa, nên các chủ vườn cạnh tranh nhau hạ giá xuống rất nhiều. Nhà Vọng có một vườn trái cây khá to ở bên kia bờ sông Mộc Dinh, trồng đủ loại cây ăn trái. Nào xoài, nào măng cụt, nào sầu riêng, nào hồng xiêm, nào chôm chôm, nào nhãn hột tiêu và ổi hồng đào. Vì giá xuống quá thấp nên bà Bảo Trị, má của Vọng không buồn bán nữa, bảo chàng ra chợ quận dán giấy kiếm người để cho. Hai ngày sau có một người con gái trạc độ mười sáu tuổi đến vườn, lấp ló ngoài hàng rào xin hái ổi về bán để kiếm cơm ăn. Bà Bảo Trị đi ra mở cổng. Đứa con gái, không biết có tên gì khác không, nhưng mọi người trong làng gọi nàng là Hai Ngọt, mặt mũi dễ coi với nét đẹp ưa nhìn.
Một tuần sau, khi lái xe ngang cầu Mộc Dinh, mưa to đổ xuống bất ngờ, Vọng ngừng lại và tạm trú dưới chân cầu. Ngay đó có mấy sạp nhỏ bán thức ăn, nào ổi, nào mía ghim, nào ô môi v.v. Trận mưa kéo dài khá lâu, cũng phải cả tiếng. Vọng cảm thấy thèm ăn một thứ gì và chàng bèn đến hàng ổi mua vài trái vì mùi ổi chín thơm làm chàng thèm thuồng. Khi ăn xong Vọng hỏi Hai Ngọt:
- Ổi vườn nào mà ngon quá vậy?
Hai Ngọt trả lời:
- Vườn bà Bảo Trị đó anh.
Vọng gật gù:
- Ngon quá.
Nói xong chàng lái xe đi vì cơn mưa đã ngớt. Năm đó Vọng vừa được mười chín tuổi. Thế là mỗi ngày, Vọng đều ghé qua hàng ổi của Hai Ngọt mà nàng không biết chàng là con của bà chủ vườn.
Mùa ổi qua đi. Mùa chôm chôm trở về. Vọng lại lên chợ quận dán giấy bán nửa giá cho mười kí đầu. Thế là hai ngày sau, đứng sau cửa sô? Vọng thấy Hai Ngọt lấp ló ngoài cổng để mua chôm chôm.

Cha Vọng qua đời khi Vọng mới chập chững biết đi. Vì Vọng là đứa con duy nhất nên bà Bảo Trị rất nuông chiều. Bà cứ để cho Vọng lông bông ở nhà chơi, mãi đến khi Vọng hơn mười tuổi mới bắt đầu cho đi học. Học được vài năm, Vọng cảm thấy nản chí nên nói với mẹ là muốn ở nhà làm việc ruộng vườn. Bà Bảo Trị thấy con không học chữ được, nên mở rộng thêm canh tác chăn nuôi cho Vọng trông coi.

Thấy Hai Ngọt có sắc, Vọng ôm lòng để ý. Vì vậy, cứ mỗi lần có mùa trái cây là Vọng lại dán giấy ngoài chợ quận quảng cáo, nếu không cho không thì cũng bán rẻ. Cứ sau mỗi lần Hai Ngọt đến vườn trái cây của bà Bảo Trị, là Vọng lại ghé ngang chân cầu Mộc Dinh để tìm gặp Hai Ngọt bằng cách mua hàng.
Dần dần, Vọng trở thành một người khách quen thuộc của chân cầu Mộc Dinh. Vọng và Hai Ngọt trở nên thân mật hơn làm cho mấy chị em bạn hàng buôn bán gần đó để ý, trêu chọc. Có nhiều lần cả hai bị bắt gặp cùng đi xem hát ở đình Cần Bội mỗi khi có đoàn cải lương về trình diễn.

Tính tình Vọng cứ mơ mơ màng màng như đang ở trên chín tầng mây. Kể từ khi quen biết Hai Ngọt, Vọng lại càng mơ màng và thẫn thờ nhiều hơn. Vì biết Hai Ngọt thích tiếng đàn bầu và đờn cò nên Vọng bắt đầu tập tành. Lúc thì Vọng ngồi một mình dưới giàn mướp ôm chiếc đàn bầu tập khảy tích tịch tình tang, lúc thì ngồi trên cây hột gà sau nhà tập kéo đàn cò kêu ken két.

Một hôm trời nắng to, vào đầu tháng chạp, để chuẩn bị cho những ngày Tết sắp đến, bà Bảo Trị phơi vịt khô và lạp xưởng ở sân sau trên cái tràng mây. Trước khi ra chợ quận để sắm thêm đồ chuẩn bị cho những ngày Tết đến, bà căn dặn Vọng đủ điều về những gì cần phải làm trong khi bà đi chợ. Bà nói với Vọng về những thứ cần phải mua nào là vải để may màn cửa, củ kiệu, củ cải để làm dưa món. Khi xách nón đi ra cửa, bà còn quay lại nhắc Vọng một lần nữa về cái tràng thịt vịt và mấy cặp lạp xưởng. Sau khi bà Bảo Trị đi rồi, Vọng nhắc chiếc ghế ra sân sau cùng với cây d-àn bầu. Vọng cố tập cách nhấn dây. Nhưng càng tập thì tiếng đàn tích tịch, tích tịch nghe càng giống như tiếng xe bị xì lốp. Cứ thế Vọng mải miết với cây đàn từ giờ nọ sang giờ kia, quên hẳn những lời dặn dò của bà Bảo Trị. Nắng từ từ lên cao, lan dần đến chỗ Vọng đang ngồi. Vọng phải dời chỗ, lui dần về phía gốc cây khế ngọt ở bên hông nhà, khuất hẳn nơi chỗ phơi vịt và lạp xưởng. Giờ phút này, Vọng đã quên hết mọi thứ trên đời, quên luôn cả lời bà Bảo Trị dặn dò, để mặc cho lòng mình trôi theo tiếng đàn, cứ thế tiếp tục lập đi lập lại một âm điệu y hệt nhau qua những âm thanh tích tịch. Một con gà giò đang đi kiếm ăn lanh quanh gần đó. Nó đá chỗ nọ, bới móc chỗ kia một lúc rồi đi về phía tràng phơi thịt. Nó mổ vào một cái lạp xưởng rồi kéo sợi dây đi. Tục tục, tục tục! Tiếng kêu của nó gọi mời bà con, hàng xóm làng giềng nhà gà cùng tới vui vầy với nó. Chẳng mấy chốc, vợ chồng con cái anh em bà con nhà họ gà lục đục kéo đến đông đủ. Lúc đầu chúng còn vui vẻ với nhau, con này nhường con kia. Nhưng chẳng bao lâu sau, chúng bắt đầu xâu xé nhau, con này mổ con kia cũng vì mấy cọng dây cột lạp xưởng. Chúng rượt đuổi nhau, tha sợi dây lủng lẳng, chạy về phía hàng rào. Hai con chó nhà hàng xóm đang đùa giỡn với nhau, đánh mùi thơm ngon khác thường do lũ gà mang lại, bèn rạp mình xuống, chui qua mấy cái lỗ trống. Qua được vùng cấm địa chúng thoải mái đuổi theo đàn gà cho tới tràng phơi vịt. Thấy mồi ngon bổ béo chúng tha tội cho mấy con gà và phưỡn bụng ra ăn. Tiếng đàn tích tịch của Vọng cứ thế vang lên trong buổi trưa vắng mua vui cho lũ gà, chó đang phây phây hưởng một buổi tiệc no nê.
Lúc đó, trời đã quá trưa. Trước sân chợt có tiếng xe lam ba bánh ngừng lại. Và rồi tiếng bà Bảo Trị vang vang đằng trước:
- Vọng à, ra phụ má khiêng đồ vô nè con.
Vọng đang say sưa với tiếng đàn tích tịch, hồn du dương thả vào cõi xuân tình, nào có hay biết chuyện gì đang xảy ra trên trần thế. Tràng vịt và lạp xưởng bây giờ chỉ còn lèo tèo vài miếng xương mà hai con mèo mun của nhà hàng xóm đang thưởng thức.
Gọi mãi không thấy bóng dáng của Vọng đâu, bà Bảo Trị bắt đầu bà la lối. Lúc đó Vọng mới hoàn hồn bỏ cây đàn xuống và chạy nhanh ra cửa. Thấy mặt Vọng, bà la lên:
- Mày làm cái gì mà tao gọi năm lần, bảy lượt cũng hỏng thấy mày đâu vậy.
Vọng gãi đầu:
- Con ngồi tuốt đằng sau coi tràng vịt cho má.
Nghe đến đó, bà Bảo Trị dịu cơn giận xuống, nói ngọt với Vọng:
- Tội nghiệp con cưng của má chưa. Nè, trong giỏ có cái túi cháo lòng với cái túi bánh canh ngọt đó, lấy ra ăn đi.
Vọng khoái chí cười:
- Thế má ăn chưa?
- Má ăn rồi ở ngoài chợ. Gần Tết rồi, chợ đông, kẹt cứng. Cái gì cũng mắc quá. May là má đã mua được vịt khô và lạp xưởng từ hôm tuần trước, chứ nếu để qua tuần này giá mắc gấp hai mua hổng nổi d-âu.
Nói rồi, bà cầm cái nón quạt mạnh mấy cái cho mát và đưa tay lên gãi lưng nghe sồn sột. Bà lấy hết mọi thứ từ trong giỏ ra, trong khi nói:
- Chiều ăn cơm xong, phụ má cắt củ kiệu nghe chưa?
Vọng ngoan ngoãn 'Dạ' mà trong lòng không thấy vui vì tối nay chàng định rủ Hai Ngọt đi coi tuồng Tôn Tẫn Hạ San. Sau đó, bà Bảo Trị đi ra phía sau nhà để ngắm tràng vịt khô và lạp xưởng, trong khi Vọng đang ngồi ăn bánh canh ngọt.
Nhưng khi ra tới sân sau, bà không thấy vịt và lạp xưởng đâu, mà chỉ thấy hai con chó đang ngồi liếm mép. Còn cái tràng đầy ắp vịt khô và lạp xưởng d-âu không thấy mà giờ chỉ thấy một cái tràng trống không, nằm trong tràng là hai con mèo mun đang phơi nắng. Mặt bà tái xanh, tái mét. Cơn giận bốc lên như lửa. Bà gào lên ầm ĩ trong khi tay cầm chổi phang túi bụi vào đám chó mèo:
- Vọng à! Ra đây tao biểu coi. Vọng. Trời đất quỷ thần ơi. Vọng.
Gần đó, mấy con gà đang đuổi nhau về phía hông nhà, nơi có cây khế, dành mấy sợi dây cột lạp xưởng. Bà cầm cái tràng không đuổi theo chúng. Khi đến gốc khế, bà thấy cây đàn bầu nằm trơ trọi trên chiếc ghế. Với cơn nóng giận đang sôi sục, bà cầm ngay cái đàn đập mạnh một giáng tử thần vào mông con ngựa, đang bị cột đứng gần đó. Con ngựa bị đau quá hí vang ầm ĩ. Nghe tiếng bà Bảo Trị gọi với giọng la lối, chửi bới Vọng lẹ làng vét hết chén bánh canh ngọt và tức tốc chạy ra. Đến nơi, Vọng thấy cây đàn bị vỡ nát và trơ trọi trên nền đất là chiếc tràng trống không. Cách đó không xa, hai con gà còn đang dành nhau sợi dây cột lạp xưởng với một miếng lạp xưởng còn sót lủng lẳng. Vừa thấy mặt Vọng, bà cầm cây đàn đập mạnh xuống ghế thêm một lần nữa. Thế là cây đàn bị nát ra từng mảnh. Vừa đập bà vừa la:
- Tổ cha mày. Tao đã dặn mày coi cái tràng vịt khô cho tao mà mày để cho ra cái nông nỗi này. Nè đờn. Nè địch nè. Tết này lấy cái gì mà cúng ông bà. Tết này lấy cái gì mà ăn. Đờn địch suốt ngày. Tết này tao cho mày ăn đờn nghe chưa.
Vọng nghe đâu đây tiếng đàn vang dậy từng tiếng rồi từng tiếng tích tịch, tích tịch mờ dần theo tiếng chửi bới của bà Bảo Trị.

Kể từ khi quen Hai Ngọt không những chỉ học đánh đàn bầu với từng tiếng tích tịch, mà Vọng còn học kéo đờn cò nữa. Cứ nửa đêm thanh vắng, tiếng đờn cò cót két vang lên như bản lề bị thiếu dầu mỡ.

Một đêm nọ, sau khi cùng Hai Ngọt đi xem đoàn hát Long Nữ trình diễn vở tuồng Càn Long Du Giang Nam tại đình Cần Bội về, lòng Vọng còn đang say sưa nửa mơ, nửa tỉnh với ngón đờn cò trứ danh của nhạc sĩ Tư Lục, Vọng để hồn mình trầm bổng theo tiếng cót két của âm thanh, mơ một ngày nào đó tiếng tăm sẽ được nổi lên như mấy tay đàn anh, đàn chị. Tiếng cót két càng lúc càng to theo tiếng lòng và nỗi ước mơ của Vọng vang lên giữa đêm trường thanh vắng. Bên phòng trong, bà Bảo Trị đang mơ mơ, màng màng thả hồn trong giấc điệp. Vì tiếng đờn cò cót két của Vọng càng lúc càng to, nên bà giật mình thức dậy. Nhà cửa tối thui, mà tiếng cót két cứ vang lên trong đêm thanh vắng. 'Thôi rồi, ăn trộm đang cưa song cửa sổ chứ không ai khác'. Nghĩ vậy, bà khe khẽ ngồi dậy, rút từ dưới đầu giường ra một khúc gỗ đặc mà bà dùng để tự vệ khi cần. Tay cầm khúc gỗ, đưa ngang tầm mắt trong một tư thế tấn công, Bà rón rén đi về phía có tiếng cót két. Bỗng dưng bà nghe có tiếng ho và tằng hắng giống tiếng của Vọng. Bà hỏi:
- Mày còn thức đó hả Vọng?
- Dạ.
Bà đưa tay bật đèn. Căn phòng sáng lên và Vọng đang ngồi ôm cây đàn cò.
- Mèn đét ơi, giờ này mà mày còn ngồi đây làm cái gì vậy ? Xém chút nữa là tao cho mày ăn cái giáng đòn này thì mười ông trời đỡ cũng hỏng nổi.
Vọng ngạc nhiên nhìn bà Bảo Trị:
- Tại sao vậy má?
Bà Bảo Trị đi về phía phòng trong:
- Còn hỏi cái gì nữa. Tao nghe tiếng cót két, tao tưởng ăn trộm đang cưa cửa. Trời đất ơi. Lo mà đi ngủ đi chứ. Trễ lắm rồi.
Cả đêm hôm đó, bà Bảo Trị bị ám ảnh về chuyện này, nếu mà Vọng không ho và tằng hắng thì giờ này nó đã ngủm vì giáng đòn nặng nề của bà. Trưa hôm sau, bà sai Vọng đi qua chợ quận bỏ hụi. Trong lúc đó, ở nhà bà lấy cây đàn cò, cắt đứt hết dây rồi bắc ghế treo lên một nhánh của cây bông gòn trồng ở cuối sân. Vừa làm, bà vừa làu bàu: 'Áo mặc không qua khỏi đầu nghe con'.

Tối đến, sau khi nghe tiếng ngáy đều đều của bà Bảo Trị, Vọng lồm cồm ngồi dậy, rọi đèn pin vào đúng chỗ mà chàng vẫn để cây đàn cò. Nhưng tìm hoài không thấy đâu, Vọng đành nằm xuống dỗ giấc ngủ. Sáng hôm sau, khi nghe tiếng gà gáy lần thứ nhất, lúc đó trời hẵn còn tờ mờ, Vọng đã rón rén ngồi dậy, lò dò đi kiếm cây đàn. Kiếm hoài, từ góc nọ đến góc kia, mà cũng không thấy đâu . Vọng bèn nhè nhẹ mở cửa đi ra sân sau để đi tiểu. Bấy giờ, trời cũng bắt đầu hừng sáng. Sau khi đi tiểu xong, Vọng đứng nhìn quanh và thấy một cái gì treo lủng lẳng trên cây bông gòn ở cuối vườn. Chàng từ từ đi ra đó thì quả đúng là cây đàn của chàng. Cây đàn đang nằm trơ trọi, lơ lửng trên cành cây, đong đưa trong sương tạnh.

Chuyện hẹn hò giữa Vọng và Hai Ngọt không sao qua khỏi cặp mắt của bà Bảo Trị. Bà tìm mọi cách để cản trở việc gặp gỡ của hai người. Đối với bà, Hai Ngọt là một đứa con gái cà bơ cà bất, không cha không mẹ, mà đối với bà thì 'Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống'. Đằng này, Hai Ngọt không có tông mà cũng không có giống thì làm sao cho bà xem. Bà đã từng phê bình với Vọng về gia phả của Hai Ngọt:
- Nó là cái đứa trôi sông lạc chợ. Cha mẹ không có, lấy ai dạy dỗ mà nên người cho được.
Những mùa trái cây cứ tiếp nối, nếu loại nào quá được mùa và giá cả bị phá, bà lẳng lặng cho người đến hái chứ không quảng cáo ở chợ quận như những mùa trước, vì lẽ bà không muốn gặp Hai Ngọt cũng như tìm mọi cách để ngăn chận sự gặp gỡ giữa Vọng và nàng.

Vào một ngày giữa mùa mưa, Vọng ghé tạt qua chân cầu và thấy cô hàng ổi không còn nữa. Những người bán hàng gần đó chỉ nói là họ không biết nàng đi đâu. Hai Ngọt đâu rồi? Nàng đi đâu? Sao không một lời từ giã! Vọng buồn bã, thẫn thờ nhưng không dám hỏi thăm ai thêm mà cũng không dám nói cho ai biết, sợ đến tai bà Bảo Trị. Vọng đến đình Cần Bội, đi dọc theo chân cầu, đi qua khu chợ quận ngó quanh nhưng cũng chẳng thấy bóng dáng của Hai Ngọt đâu. Lòng dạ đau như cắt. Đêm đó, Vọng không ngủ được, cứ mơ màng tưởng nhớ đến Hai Ngọt. Chàng nằm ôm gối khóc rưng rức, thỉnh thoảng lại nấc lên thành tiếng. Bà Bảo Trị lật đật chạy vào giường Vọng và hỏi:
- Chuyện gì vậy con, Vọng?
Vọng ôm gối che mặt lại:
- Dạ con đau bụng quá, chịu hỏng nổi.
Bà Bảo Trị lật đật bật đèn lên, lấy dầu xoa bụng, rồi bóp tay chân cho Vọng. Một lúc sau Vọng thiếp vào giấc ngủ lúc nào không biết.

Mười năm trôi qua. Mười năm không một lời nhắn gửi. Người xưa bỗng dưng lại trở về, bằng xương bằng thịt. Thịt xương nguyên vẹn, nhưng tình người có còn nguyên vẹn hay không? Hai Ngọt. Cái tên Hai Ngọt đã từ từ lắng sâu trong tiềm thức của chàng trai tên Vọng nay đột ngột trở về. Nàng là ai ? Nàng có còn nhớ đến người tình năm cũ? Hay vườn ổi hồng đào của bà Bảo Trị và mùi ổi chín của chàng trai tên Vọng đã bị bả phù hoa vật chất vùi chôn?

Đứng sau thân cây da già nua của làng Mộc Dinh, một đám gồm khoảng bốn người, đang chỉ cho Vọng cách thức đón tiếp Hai Ngọt. Thầy tuồng kiêm đạo diễn Hai Chân đưa tay lên nhìn đồng hồ:
- Hai giờ mấy rồi mà sao chưa thấy bóng dáng nó đâu cà?
Hai Chân quay đầu ra sau hỏi Thiếp:
- Mày biết chắc là con Hai Ngọt sẽ đi ra chợ hôm nay hông?
Vọng nhìn Thiếp với cặp mắt nghi ngờ:
- Mày có lộn nó với ai không?
Thiếp nhón chân nhìn về phía trước:
- Mọi người đều nói hết mà. Tui nghe rõ ràng má con Nương nói với thím Sơn là nó sẽ đi ra chợ lúc một giờ. Rõ ràng như vậy đó.
Hai Chân càu nhàu:
- Bây giờ là hai giờ rồi mà có thấy tăm hơi gì đâu.
Bỗng Vực suỵt một tiếng rồi chỉ tay về phía bờ ruộng:
- Có ai đi ra bên bờ ruộng kìa.
Mọi người cùng hướng mắt về phía mà Vực đang chỉ. Thiếp chồm người về phía trước:
- Đúng nó rồi. Quần ống loe, dáng đi cà ẹo.
Từ đàng xa, Hai Ngọt ưỡn ẹo đi bên bờ ruộng. Nàng mặc quần Jeans, ống loe cả ba tấc là ít. Hai Chân ra lệnh:
- Phải đi ra đằng sau gốc cây ngay kẻo nó thấy.
Cả bọn cùng đi ra đứng nấp sau thân cây, dán mắt qua những lỗ hở và những khoảng trống nhỏ của thân cây, nhìn về phía Hai Ngọt. Vọng nhón chân đứng trên những rễ dài lồi lên khỏi mặt đất, dí mắt vào một kẽ hở. Ra vẻ như một đạo diễn có kinh nghiệm, Hai Chân nói với cả đám:
- Chừng nào nó đi qua khỏi cây da rồi, thì tụi mình phải lẹ chân, đi về phía bên này của cây da. Nhớ không được ồn ào. Mà phải núp vào thân cây, đừng để cho nó thấy.
Quay sang Vọng, Hai Chân dặn dò:
- Chừng nào nó vừa đi qua thì phải ra liền, theo ngay và gọi tên nó. Mầy nhớ nghen Vọng. Phải gọi tên Tây của nó. Còn không thì nó không có thèm trả lời đâu. Mày nói lại đi. Nó tên là gì?
Vọng tằng hắng một tiếng rồi dõng dạc nói:
- Dét Cờ Lin.
Hai Chân gật gù, ra vẻ chịu lắm. Đứng sau thân cây da cả đám có thể thấy Hai Ngọt càng lúc, càng rõ hơn, nhưng cũng chỉ là những đường nét chính. Một mái tóc ngắn. Một dáng người cao. Một cặp kính đen. Dáng đi cà ẹo.
Thiếp thở dài:
- Hồi xưa tao đâu có thấy nó đi cà eọ, cà ẹo như bây giờ. Đi cà ẹo, cà ẹo như vậy không lọt xuống ruộng cũng lòi mắt cá.
Lập nhìn Thiếp:
- Dường như nó đeo cái gì lủng lẳng ở trước ngực. Chắc là bùa!
Hai Chân cúi xuống buộc sợi dây giày:
- Bùa ngải gì. Cái bóp đựng tiền của tài tử đó cha nội.
Lập ló đầu ra phía trước:
- Sao nhỏ xíu vậy.
Khi Hai Ngọt đến gần hơn, Vọng cảm thấy hồi hộp, tim đập mạnh như lần đầu Vọng đi coi hát với Hai Ngọt ở đình Cần Bội. Vọng đưa tay lên vuốt lại mái tóc xức dầu dừa bóng lộng của mình. Chàng nhìn xuống bộ quần áo đang mặc. Trông cũng hơi giống dân chơi thứ thiệt, không đến nỗi tệ. Quần ka ki trắng, ống cũng hơi loe, nhưng không loe nhiều như ống quần của Hai Ngọt. Còn áo sơ mi thì màu xanh da trời, có thêu hình hai con cá sấu trên túi áo. Lại còn có thêm cái khăn mù xoa được gấp đàng hoàng, vắt trong túi chỉ để lòi ra chút xíu nơi miệng túi. Đôi giày đế cao, đánh xi-ra bóng lộng, nhưng có cao cách mấy cũng không cao bằng đôi giày của Hai Ngọt. Vọng đứng quay mặt nhìn các bạn một lần nữa trước khi ra giáp mặt người yêu cũ. Ai nấy đều gật gù, tỏ vẻ đắc ý về cái gu ăn mặc của Vọng.

Chỉ còn năm thước nữa là Hai Ngọt sẽ đi qua điểm đợi. Ôi bao phút giây chờ đợi. Bao nhiêu ngày mong nhớ và thổn thức. 'Mười năm rồi còn gì! Không biết nàng còn nhớ ta không?' Vọng nghĩ thầm trong bụng. Hai Ngọt của Vọng thật sự đã trở về bằng xương, bằng thịt hôm nay. Văng vẳng bên tai Vọng, âm vang của tiếng đàn tích tịch, tích tịch, cót két, cót két hiện về trong vùng ký ức mù khơi của chàng. Hai thước. Rồi một thước. Hai Ngọt từ từ đi qua điểm đợi. Khi Hai Ngọt vừa õng ẹo đi ngang cây da độ hai bước thì Hai Chân đưa tay xô Vọng ra. Hồn bay phách tán, Vọng không còn nhớ những gì mà đạo diễn Hai Chân đã dạy. Vọng lên tiếng gọi:
- Hai Ngọt.
Hai Ngọt không trả lời, đi thẳng. Thấy vậy Hai Chân la lên một tiếng thật to:
- Dét Cờ Lin.
Khi nghe âm thanh của ba chữ 'Dét Cờ Lin', Hai Ngọt chậm bước chân và từ từ quay lại. Vọng tưởng cả một bầu trời làng thôn sụp đổ trên đầu mình. Chàng líu lưỡi lí nhí trong miệng:
- Vọng đầy nè. Hai Ngọt còn nhớ không. Í quên. Í quên. Vén.. Quần Lên còn nhớ không? Vọng nè.
Miệng nhai kẹo cao su nhóp nhép, Hai Ngọt nhìn Vọng từ đầu đến chân một lúc rồi nói:
- Vọng. Nhà anh có vườn ổi phải không?
Vọng xoa xoa hai bàn tay, lim dim đôi mắt:
- Đúng rồi. Vườn ổi bà Bảo Trị đó mà. Hai Ngọt nhớ dai quá.
Hai Ngọt cắt ngang:
- Dét Cờ Lin. Cái tên Hai Ngọt đã chết từ lâu rồi, đâu còn ai nhắc tới nữa. Bây giờ mọi người đều gọi tui là Dét Cờ Lin.
Vọng gật đầu:
- Anh sẽ nhớ. Để anh lập lại cho xem.
Vì tẩu hoả nhập ma nên Vọng lặp lại có lúc đúng, có lúc không:
- Dắc Quờ Lên. Vén Quần Lên.
Núp sau gốc cây, đạo diễn kiêm thầy tuồng Hai Chân theo sát những gì đang xảy ra, nhăn nhó nét mặt. Trong khi đám bạn của Vọng cố nín cười thành tiếng. Khi Vọng lập lại ba chữ 'Vén Quần Lên' lần thứ nhì thì Hai Ngọt sừng sộ:
- Tại sao anh cứ nói tui vén quần lên hoài vậy. Cái anh này ngộ chưa. Tên tui là Dét Cờ Lin chứ bộ.
Vọng giữ thái độ ôn tồn, nhẹ nhàng nói:
- Em nói lẹ quá. Em làm ơn nói lại từng chữ cho anh đi.
Đằng sau gốc cây da, Hai Chân gật đầu ra vẻ đắc ý. Còn Vực thì thì thầm vào tai Hai Chân:
- Mùi quá.
Trong lúc đó, Hai Ngọt chu cái môi, nói từng chữ một:
- Dét. Cờ. Lin.
Vọng kê sát lỗ tai để nghe cho rõ:
- Đúng rồi. Không phải Vén Quần Lên. Cái gì nghe như có cái cờ ở trong đó.
Nói rồi, Vọng lập lại:
- Dít Cờ Lên. Dén Quần Lên.
Hai Ngọt õng ẹo cái mình:
- Cái anh này kỳ cục chưa. Làm gì có cái quần ở trong đó mà anh cứ nói về cái quần hoài vậy. Nghe tui nói nè. Nghe cho kỹ từng chữ một nhé. Dét..Cờ..Lin.
Vọng đưa tay đập vào trán:
- Ngu quá. Bây giờ anh mới hiểu ra. Dắc Quờ Lên nghĩa là vừa dắc và vừa quờ.
Đằng sau thân cây đa, đám bạn của Vọng ôm bụng cười nhưng cố nén không cho ra thành tiếng. Thiếp nói nho nhỏ với Hai Chân:
- Vén hay Dắc thì cũng vậy thôi.
Trong lúc đó, Hai Ngọt thổi phồng miếng kẹo cao su thành bong bóng rồi búng nó ra xa:
- Anh bậy bạ quá. Anh có biết tên tui là lấy từ tên của một bà Tổng Thống Mỹ hông?
Vọng giật mình, lùi lại một bước:
- Thiệt sao? Dắc Quờ Lên đánh vần cho anh nghe coi.
- Chây Ây Xi
Nửa chừng Hai Ngọt ngồi chòm hỏm xuống đất, dùng một viên gạch viết ra trên mặt đất: 'Jacqueliné.
Vọng nhìn chăm chăm cái tên rồi nói:
- Trời ơi cái tên mới của Hai Ngọt đẹp quá. Đẹp y như em. Quả thật tiếng đồn không sai là Dắc Quờ Lên đẹp như một minh tinh tài tử vậy.
Khi nghe khen, Hai Ngọt từ từ lấy mắt kiếng xuống, mắt lim dim nhìn về phía ruộng không xa. Vẫn khuôn mặt này, Vẫn dáng dấp này. Vọng chăm chú nhìn nàng từng nét và từng nét. Vọng cảm động nhìn Hai Ngọt, nhất là mái tóc trắng phau của nàng làm chàng xót xa. Với một giọng thật êm đềm, chàng nói:
- Bộ ở nước ngoài Dắt Quờ Lên cực khổ lắm sao mà tóc bạc hết vậy?
Hai Ngọt đưa tay vuốt mái tóc:
- Khổ cực gì đâu. Tóc tui nhuộm mà. Mái tóc này là mái tóc bạch kim, mốt mới nhứt hiện nay ở nước ngoài đó. Sao mà anh quê quá.
Vọng gật gật đầu ra chiều hiểu biết:
- Đúng là Dắc Quờ Lên đem văn minh về cho thôn làng. Mái tóc bạch kim.
Hai Ngọt xoa hai bàn tay với nhau, khoái chí cười toe toét. Nhưng nụ cười chợt tắt đi trong khoảnh khắc khi giọng nói the thé của Hai Ngọt vang lên:
- Tại sao có mỗi cái tên của tui mà anh nói đi nói lại hoài mà nói hỏng được thì làm sao sống ở nước ngoài. Tên của tui không có quờ mà cũng hỏng có dắc đi đâu hết ở trong đó nghe chưa. Dét Cờ Lin.
Vọng lắp bắp:
- Dít..Dít..Lên đừng có giận. Tập từ từ rồi mới quen được chớ. Còn mới quá mà.
Lúc đó Vọng đang quan sát cặp môi của Hai Ngọt, trước đây mỏng dính mà sao bây giờ u lên giống như bị kiến cắn. Vọng nói tiếp:
- Ủa . Môi bị kiến cắn sao mà sưng u lên vậy?
Hai Ngọt sừng sộ:
- Chèn đét ơi, cái anh này quê hết chỗ nói. Môi đa tình của người ta mà anh dám chê là bị kiến cắn sưng tù vù. Tốn tiền lắm mới được như vậy đó anh.
Vọng ngạc nhiên nhìn Hai Ngọt chăm chăm:
- Trời ơi phải trả tiền để được bị u lên như vậy thiệt sao! Còn .. còn .. cái cằm sao bị nứt làm hai vậy. Có bị té ở đâu hay bị ai đánh hôn?
Hai Ngọt trợn mắt, lắc đầu nhìn Vọng:
- Mèn ơi, cái anh này sao ảnh quê quá cỡ thợ mộc. Thời buổi này, thiên hạ sửa sắc đẹp thiếu giống gì, nhứt là tụi minh tinh tài tử. . . . . Ai cũng làm hết trọi đó.
Vọng đưa tay lên sờ mặt:
- Bộ đàn ông cũng làm sao?
Hai Ngọt nhăn nhó:
- Cái anh này ngộ thiệt. Có chớ sao không.
Đằng sau thân cây da, cả bọn đang cố nín cười còn Hai Chân thì nhăn nhó. Lúc đó, Hai Ngọt dợm chân bước đi, Vọng nói:
- Dắt Quờ Lên à! Tối nay mình đi coi hát ở đình Cần Bội hôn. Mừng em mới dìa. Gánh Long Nữ mới đến sáng nay, hát ba đêm ăn mừng cuối năm. Nghe nói nhiều đào tơ nổi tiếng lắm đó.
Hai Ngọt bắt đầu nhún nhún đôi chân:
- Phải chi có 'đén xình'.
Mặt mày ngơ ngác, vừa rướn người về phía trước Vọng vừa nói:
- Sình ở đâu đâu? Đường đi đến đình Cần Bội khô ráo, làm gì có mương ruộng mà Dắc Quờ Lên sợ té xuống sình. Anh sẽ lái xe rim chơ? Dắc Quờ Lên đi mà.
Trong khi đằng sau thân cây da, thầy tuồng kiêm đạo diễn Hai Chân gật đầu khen ngợi thì trước mặt cây da Hai Ngọt sừng sổ:
- Ai nói té xuống sình hồi nào đâu ?
Vọng ngả người ra đằng sau theo thế đứng:
- Chính lúc nãy Dắt Quờ Lên nói cái gì mà té xình đó.
Hai Ngọt ra chiều nghĩ ngợi một lúc rồi la lên:
- . . . . . Mèn ơi sao cái anh này nhà quê quá cỡ. Tui nói đén xing là khiêu vũ, là nhảy đầm đó.
Hai Ngọt đưa tay vòng hờ sau lưng Vọng, hai chân vừa lắc lư vừa nhịp nhịp như đang bị ngứa. Vọng gật đầu:
- Vậy hả? Có phải cái loại mà cứ mỗi lần nhạc nổi lên là đàn ông, đàn bà ôm nhau cà lết, cà lết từng cặp một đó hông?
Hai Ngọt đeo mắt kính lên:
- Lết đâu mà lết. Họ nhảy theo điệu nhạc đàng hoàng chứ bộ. Thôi tui phải đi đây. Tui có công chuyện phải đi đây.
Vọng đứng chận trước mặt Hai Ngọt:
- Sao tối nay Vén Quờn Lên đi ra đình Cần Bội hôn?
Hai Ngọt do dự trả lời:
- Chiều nay tui có công chuyện. Hỏng được đâu.
Vọng âu yếm:
- Hỏng sao. Nếu tối nay mắc công chuyện thì tối mai đi. Gánh hát dìa tới ba đêm lận.
Hai Ngọt gật đầu:
- Cũng được.
Thu hết can đảm Vọng nắm tay áo của Hai Ngọt:
- Dắt Quờ Lên muốn anh đón ở đâu? Lúc mấy giờ?
Hai Ngọt nhìn về hướng cầu Bội Dinh, rồi đưa tay chỉ:
- Dưới chân cầu. Năm giờ. Thôi tui phải đi.
Nói xong Hai Ngọt õng ẹo bỏ đi trong khi Vọng xoa xoa hai tay nói theo:
- Hẹn gặp em chiều mai ở chân cầu.
Vọng đứng nhìn theo dáng Hai Ngọt uốn éo mà lòng cảm thấy lâng lâng với một niềm vui sống dậy tựa như thuở mới gặp nàng lần đầu.

Sau khi đi hớt tóc về, Vọng lấy cơm nguội ra ăn một bụng cho chắc. Tắm rửa xong, Vọng chọn một bộ quần áo thật vừa ý mặc vào. Tối nay, Vọng mặc một cái quần tây màu kem và áo sơ mi đen, giày đen bóng láng. Xong xuôi một lượt, Vọng nhìn trong kiếng ra chiều ưng ý lắm. Lúc đó mới bốn giờ chiều. Vọng lái xe rà theo mấy quán bên bờ sông mua hai túi khoai mì hấp nước dừa bồng con, hai khúc bánh mì chim sẻ quay và hai chai nước mía. Với gương mặt hớn hở, Vọng tà tà hướng về phía cầu Bội Dinh. Khi Vọng tới nơi, kim đồng hồ chỉ vừa đúng bốn giờ rưỡi chiều. Vọng ngồi trên xe, chống chân chờ đợi. Vài phút sau, đám bạn của Vọng lái xe ngang, quay vòng lại, tán dóc một hồi rồi đi hết. Lúc đó là năm giờ kém mười lăm. Vọng tiếp tục ngồi chống chân chờ. Đến năm giờ rưỡi, Vọng cũng không thấy Hai Ngọt đâu. Vọng tưởng là nàng bị kẹt chuyện gì nên đến trễ. Chờ đến sáu giờ mười lăm cũng không thấy đâu. Vọng lái xe chạy thẳng đến nhà má con Nương, tức là chị bà con của Hai Ngọt. Đến nơi, Vọng thấy nhà đóng cửa kín mít. Vọng bèn chạy thẳng đến đình Cần Bội, ngó dáo dác xem Hai Ngọt có trong đó không. Khi vãn tuồng, Vọng đứng chờ ở cửa đi ra, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng hình của Hai Ngọt đâu cả . Trên đường về, bao nhiêu câu hỏi hiện ra trong đầu Vọng. Hoặc là Hai Ngọt mắc công chuyện gì đó, hoặc là Hai Ngọt nhớ sai ngày giờ hẹn. Cả đêm, Vọng nằm thao thức. Chiều hôm sau, Vọng lại đến ngay đúng điểm hẹn cùng giờ. Chờ mãi và chờ mãi Vọng cũng chẳng thấy tăm hơi của Hai Ngọt đâu.

Những ngày Tết buồn bã trôi qua. Gánh hát Long Nữ đã dọn đi sáng nay. Mùa ổi đã tàn và mùi thơm của ổi chín cũng đã phai. Hai Ngọt không đến như đã hẹn. Những gì hiện hữu trên dáng hình của cô gái quê mùa tên Hai Ngọt chỉ còn là tàn tích một thời. Tiếng đàn tích tịch năm nào vang trong đêm vắng, vướng đọng trên những phiến lá ổi non đầu mùa giờ cũng đã mù khơi . Vọng nghe một cái gì mất mát thật to lớn trong lòng. Đứng bên hàng rào chằng chịt dây leo nặng trĩu từng chùm hoa Ti-gôn trắng sữa, Vọng cảm thấy niềm đau cấu xé trong lòng. Chàng thẫn thờ nhìn về phía chân cầu Bội Dinh với nỗi buồn ray rứt dấy động. Một đàn cò trắng chấp cánh bay lững lờ dưới vòm trời vẩn đục. Nắng hấp hối đổ giọt trên từng hàng cây, vàng theo nỗi bùi ngùi tiếc thương một cái gì đã mất. Và xa kia, nơi chân trời mây lãng đãng trôi.


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả