Huế, đẹp và thơ. ***

Theo chương trình, chúng tôi sẽ đáp chuyến bay VN245 khởi hành đi Huế lúc 2:35 trưa, nhưng mãi đến 3:05 trưa máy bay mới cất cánh nên đến phi trường ở Huế đã hơn 4 giờ. Về đến khách sạn Hương Giang và lấy phòng xong đã xế chiều. Thế là dự định đi du ngoạn bằng thuyền trên sông Hương ngắm hoàng hôn đã tan theo mây khói !

Bữa cơm đầu tiên tại Huế thật đặc biệt. Chúng tôi đi vào nhà hàng có tên thật hay là An Định Cung ( lấy theo tên cung điện của bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức ). Phòng ăn rộng rãi, phía trước bàn ăn là một bục gỗ trên đó có hai ghế ngồi màu vàng chạm trổ hình long phụng thật đẹp. Cô nhỏ mặc áo dài màu thiên thanh với mái tóc xoã ngang lưng mang thực đơn ra và đọc cho chúng tôi nghe. Giọng gái Huế nghe thật dịu dàng và êm tai, nhưng khi nghe đến tên " nem cắm mình công ", chúng tôi vẫn không hiếu là món gì, người thì nói là " nem cẩm minh cung ", người thì lại nghe ra " nem cắm mình cong ". Thế là sau đó một người trong đoàn phải đọc lại cho mọi người biết. Sau này, anh Nam, người hướng dẫn viên du lịch cho biết là anh đã nhờ cô ta đọc để mọi người nghe giọng đặc biệt của miền sông Hương núi Ngự. Cám ơn anh thật nhiều ! Thức ăn được đưa ra, thôi thì đủ các món ăn, ngoài nem còn có bánh bột lọc, bánh cuốn, bánh khoái... Chúng tôi dùng bữa thật ngon các món đặc sản của Huế.

Trời đã tối dần. Chúng tôi ra xe đi đến một chiếc thuyền nhỏ để thưởng thức nhạc Cung Đình Huế. Hôm nay là ngày lễ Phật Đản nên trên đường đang kéo một chiếc thuyền hoa thật lớn. Đường phố đông nghẹt người, phần lớn là các xe mô tô hai bánh. Chúng tôi thật may mắn, đi đâu cũng gặp ngày lễ lạc nên nhìn người qua lại cũng đủ thấy vui. Chúng tôi tới thuyền, thấy bốn cô ca sĩ thật xinh xắn trong những chiếc áo dài đủ mầu sắc. Ban nhạc có ba người : hai chàng thanh niên trẻ chơi đàn độc huyền cầm và đàn măng đô lin, và một chị chơi đàn tranh. Giữa đêm vắng dưới ánh trăng vằng vặc thật sáng của đêm 15, tiếng hát cất lên cùng với tiếng nước róc rách vỗ vào mạn thuyền ru mọi người như trở lại một thời thơ ấu cũ :

" Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương em nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
... " *

Và những câu đối đáp rất dí dỏm của đôi thanh niên nam nữ:

" Chị đây như cái xập vàng
Em như chiếu rách trải đàng người đi ... " * ( Lời cô gái )

" Lạy trời cho cả nước lên
Cho manh chiếu rách trải trên xập vàng ... " * ( Chàng trai đối lại ) ...

Buổi trình diễn qua thật mau. Chúng tôi giúp các cô đốt lên những hoa đăng làm bằng giấy và thả xuống gìong sông Hương. Những hoa đăng đủ màu theo gió nhẹ từ từ trôi theo giòng nước lấp lánh. Ánh nến lung linh, lung linh. Tôi đứng nhìn theo ngọn nến, cảm thấy lòng mình thật bình an. Những chiếc hoa đăng dần trôi xa, ánh sáng khuất chìm theo nước sông Hương làm thành một khung cảnh nên thơ khó tả. Tôi nhìn về hướng cầu Tràng Tiền, vẫn đông đúc nhộn nhịp người qua lại. Đêm nay có lẽ là một trong những đêm vui nhất ở Huế...

Nắng đã lên cao chiếu vào cửa xe tạo nên những hình thù không rõ nét. Chúng tôi đang đi vào " đại lộ kinh hoàng " thuộc phần đất Quảng Trị. Những cồn cát màu trắng hai bên đường đã là nơi chôn cất của bao nhiêu người trong mùa Hè đỏ lửa năm 1972. Trí óc tôi tự dưng nhớ lại các hình ảnh đã được xem trên " ti vi " và báo chí ngày đó, cảnh hỗn loạn của đoàn người tay bồng tay bế dắt díu nhau chạy để tránh bom đạn đang rình rập và phủ xuống họ, máu và nước mắt hoà lẫn trong tiếng la khóc thật thương tâm. Ôi! Đất nước của tôi. Sau những tháng năm dài chịu áp bức của người Trung Hoa, của người Pháp, là một cuộc chiến " nồi da xáo thịt " của hai miền Nam Bắc. Một đất nước nhỏ nhắn, xinh đẹp, con người thật dễ thương tại sao lại chịu quá nhiều đau khổ như thế ? Đã hơn ba mươi năm rồi, không biết các thế hệ tiếp nối sẽ làm gì để xây dựng lại đất nước thật tươi đẹp trong tình người ?. Thế hệ mới với những người dân lớn lên trong cảnh thanh bình, không lo sợ vì chiến tranh sẽ cướp mất người thân yêu và bị những áp lực lớn lao cúa chiến tranh đem đến, không bị lôi kéo vào những chủ nghĩa do con người đặt ra ( thật ra chỉ đem lại đau khổ hơn cho mọi người ). Tôi vẫn hy vọng và đặt niềm tin vào lương tâm của con người.

Xe ngừng lại ở La Vang, nơi Đức Mẹ đã hiện ra lần đầu năm 1798, vào thời vua Cảnh Thịnh ( con của vua Quang Trung, lên ngôi năm 1792 ) đang công khai bách hại đạo Thiên Chúa giáo. Thời gian đó đất nước ta đang ở vào thời kỳ phân tranh giữa ba phe phái là Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn và Tây Sơn. Đựợc sự giúp đỡ của Đức Cha Bá Đa Lộc ( Pigneau de Béhaine ), Chúa Nguyễn Ánh ( sau này là vua Gia Long, lên ngôi năm 1802 ) đã cầu viện nước Pháp và đưa hoàng tử Cảnh qua Pháp. Biết chuyện này nên vua Cảnh Thịnh rất tức giận và ra sắc dụ cấm đạo gửi cho các quan phải ra tay bắt hết các linh mục và giáo dân rồi giết sạch. Nhiều giáo dân phải chạy trốn vào phường La Vang ở giữa rừng xanh núi hiểm. Trong lúc họ đang tụ họp nhau vào ban đêm để cầu nguyện và than thở cùng Thiên Chúa, thì Đức Mẹ hiện ra an ủi các giáo dân, dạy hái lá chung quanh đó và nấu uống sẽ lành các chứng bịnh. Mẹ còn hứa là : " Từ đây về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở nơi này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện. ". Và từ đó, có rất nhiều sự lạ đã xảy ra ở nơi đây, nhiều người đã được khỏi bịnh một cách lạ lùng. Còn về tên La Vang cũng có hai giả thuyết khác nhau. Có một giả thuyết đã nói là tên La Vang là do chữ Lá Vằng mà ra, vì nơi đây có rất nhiều cây này. Loại cây này có hột đen, ăn được và là một vị thuốc. Một giả thuyết khác lại nói tên La Vang là do tiếng kêu la vang dội khi vui mừng cũng như lúc gặp nguy khốn, vì nơi đây là chốn rừng xanh cheo leo hiểm trở. Dù thế nào đi nữa, La Vang đã đón chào rất nhiều khách tới đây để chiêm bái Đức Mẹ, và đã trở thành linh địa La Vang. **

Tiếng kinh cầu trầm lắng của mọi người đưa tôi vào giây phút chiêm niệm thật dễ dàng. Hoà trong lời kinh, tôi đưa mắt ngước nhìn lên Đức Mẹ và dâng lời cầu nguyện. Một người bạn đã nhờ tôi nếu đến La Vang hãy cầu xin Đức Mẹ nhận lời theo ý của bạn. Tôi thầm thì cầu nguyện cho bạn, cho gia đình tôi, nhất là xin Mẹ hãy thương và ban ơn phúc cho đất nước và người dân Việt Nam, dù ở nơi nào trên thế giới, luôn được an vui và đóng góp sức mình vào việc xây dựng một nước Việt Nam đặt trên căn bản của tình yêu thương. Đúng là thân xác luôn nặng nề, tôi quỳ khoảng 10 phút đã thấy hai chân rời rã, khi đứng lên nhìn lại hai đầu gối đã rươm rướm vài giọt máu chảy ra. Cũng tốt, khi về lại Mỹ quốc, tôi có một dấu vết để mỗi khi nhìn lại có thế nhớ đến chuyến đi này. Tôi đi đến giếng Đức Mẹ, xin ít nước rửa chân và một bình nước để mang về nhà. Bao nhiêu ngày trên đường, bình nước nhỏ đã đi theo tôi và bây giờ đang nằm cạnh tượng Đức Mẹ nơi tôi ở.

Buổi chiều, nắng dịu dần. Chúng tôi đã có dịp đi thăm Thành Nội, chỗ ở của các vua triều Nguyễn. Những bức tường thật cao bao quanh một chu vi khoảng 10 cây số, không biết đã mất bao nhiêu thời gian đế xây dựng một hoàng thành vĩ đại như vậy. Đi qua cửa Ngọ Môn vào các cung điện nguy nga, điện Cần Chánh chỗ làm việc của vua, điện Thái Hoà với những chạm trổ phù điêu và hoa văn ( phần lớn là hình của các con rồng vàng, tượng trưng cho nhà vua và hoàng gia ) trên mái cung điện làm cho tôi cảm thấy như mình trở về với thời đại của các vua chúa nhà Nguyễn. Một điều thật đáng tiếc là khu vườn Thượng Uyển với các loại hoa cỏ quý đã bị chiến tranh làm thiệt hại rất nặng. Tôi nghe nói có thời gian người ta lấy đất của khu vườn này để trồng các loại rau cỏ. Cũng thật may là các phần bị phá hủy do chiến tranh đang được xây dựng lại do quỹ của UNESCO.

Còn chút thời gian , chúng tôi cũng đến thăm Lăng của vua Tự Đức và Khải Định. Ngày xưa, đi tìm một mảnh đất để xây lăng mộ có điều kiện " tiền trầm hậu chẩm " ( có giòng nước chảy ngang qua mặt phía trước và phía sau phải có núi để dựa vào ) thật không phải là một điều dễ. Lăng vua Tự Đức thật rộng, chúng tôi đi mỏi chân rồi mà cũng chưa đi hết. Khung cảnh thật thơ mộng và tươi mát, có nước chảy quanh từ đầu Lăng đến phía sau, các nhánh cây phủ chung quanh dưới ánh nắng chiếu trên mặt nước thật đẹp. Thời giờ không có nhiều nên chúng tôi lại vội vàng lên xe qua Lăng vua Khải Định. Leo hơn bảy mươi bậc tam cấp, chúng tôi đã thấy các hình người, voi và ngựa đá đang đứng ngay trước Lăng. Lăng này đã được xây cất theo một lối kiến trúc hoà hợp Đông Tây. Trên tường và trần là những mảnh sành, sứ và kiếng ghép lại nhìn rất mỹ thuật. Tất cả đều làm bằng chân tay nên việc xây Lăng vua Khải Định đã mất hết 10 năm ( từ 1920 cho đến 1930) ...

Cuối cùng thì chúng tôi cũng được đi du ngoạn bằng thuyền trên sông Hương, không phải để ngắm hoàng hôn mà là ngắm cảnh sông Hương vào ban ngày. Thuyền chạy ngang qua bến Vân Lâu, tự dưng tôi cảm thấy buồn và nhớ lại câu ca dao đã học:

" Chiều chiều trước bến Vân Lâu,
Ai ngồi ai câu
Ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm ... ai nhớ ai mong ... " *

Tôi nhìn lại cầu Tràng Tiền " sáu dài mười hai nhịp " và thầm nghĩ " thương nhau thì xin kịp về mau ". Mấy ngày ở đây, khi tôi đã quen với tiếng nói, giọng cười của các cô gái Huế thì cũng là lúc tôi chia tay. Có lẽ sẽ còn vương lại mãi trong tôi hình ảnh của những tà áo dài bay bay trong gió, chiếc nón bài thơ thật thơ mộng và trữ tình, giọng nói nhẹ nhàng và êm êm như một lời ru. Có lẽ tôi sẽ không quên vùng đất này, vùng đất chật hẹp và ít được thiên nhiên chiêu đãi, nắng mưa khắc nghiệt, chiến tranh dai dẳng nhưng con người ớ đây lại thật an hoà, nhân ái, cư xử tế nhị và mềm mỏng. Giã biệt Cố Đô Huế, nhưng hình ảnh của sông Hương núi Ngự vẫn còn in mãi trong tôi ...



Gửi lại em cầu Tràng Tiền gió lộng
Bước chân nào quấn quýt áo dài bay
Nón bài thơ che tóc lay chiều mộng
Ánh mắt lặng nhìn cho mãi ru say

Gửi lại em cành phượng buồn thắm đỏ
Kim Long sầu trường cũ vắng chân ai
Mùa Hạ về qua cho tim nức nở
Chia tay nhau bỗng chợt thấy ngày dài

Gửi lại em núi Ngự Bình xanh thẳm
Chiều đan tay hò hẹn bến Hương Giang
Mai ta về chắc sẽ còn nhớ lắm
Nụ cười buồn còn vọng mỗi mùa sang...



* : Ca dao Việt Nam
** : Trích một phần từ sách " Đức Mẹ La Vang và giáo hội Công giáo Việt Nam " của Linh Mục Hồng Phúc CSsR.
*** : Mến tặng những tâm hồn luôn hướng về Cố Đô Huế


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả