Vui , buồn nghề bán thịt .

·









Hồi còn đi học ở bậc trung học ,tôi có thú đam mê viết văn loại đoản khúc và làm thơ .Mặc dù các bài luận văn của tui mang tiếng là loại không bao giờ được điểm cao ấy thế mà bài văn thơ nào đưa ra , ban báo chí đều đăng hết từ bích báo , báo tường của lớp rồi đến đặc san trường . Có lẽ nhờ đề tài không bị trói buộc trong khuôn khổ , muốn viết hưu , viết vượn chẳng ai để ý miễn sao có chút xíu ý nghĩa xoay quanh một đề tài là được rồi ...Hoặc vả không cha nào chịu làm việc không công , ăn cơm nhà vác ngà voi nên tui còn được một chỗ đứng nhỏ nhoi trên văn đàn học sinh ...Qua đây , sau những thay đổi muốn choáng ngợp của thời-cuộc , tôi cũng định không viết gì cả để dành thời-giờ nghỉ ngơi , làm quen với cuộc sống mới nhất là trong một môi trường hoàn toàn xa lạ , nhưng rồi gặp bạn-bè (cũ có , mới có )sẵn tính ham vui nên nguồn thi hứng lại bắt đầu nổi dậy . Tôi lại được dịp múa bút , thơ-thẩn tùm lum may được các bạn quen biết trên các diễn đàn thơ văn thương giúp cho có chỗ để xướng-họa , ngâm vịnh thi phú . Đúng là tình bạn thân quý . Nhân thấy một số bài viết rất hay về cuộc đổi đời nên tui cũng ráng lục-lọi trong ký-ức của mình mà ghi lại vài mẩu chuyện dưới đây như là một chút hồi-ký của những ngày đầu trên xứ-sở Cờ-Hoa . Xin lấy tựa là "Vui buồn nghề bán thịt" .
Nghề bán thịt nếu dùng để nói một người thứ ba là thiếu-nữ trẻ đẹp thì sẽ bị hiểu lầm là nghề "Bán phấn buôn hương" vì mọi người nghĩ theo nghĩa bóng ; riêng tui muốn nói ở đây là nghĩa đen " Nghề bán thịt ...heo ". Mong rằng các bạn xem như là một câu chuyện kể theo kiểu "Mua vui cũng ráng cho được một vài trống canh " mà không câu nệ ngữ pháp , văn-chương thì kẻ hèn này vui lắm rồi .

Gia-đình gồm tui và bà xã đến Mỹ chỉ có vài ba bộ đồ trong cái túi xách với 50xu trong mình sau 7 tháng trời nằm dài người ở trại tỵ-nạn Songkhla (Thái-Lan ). Vừa mới tới , tụi tui phải ở chung với mấy đứa em (đã định-cư trước) và đám bạn của nó . Khoảng vài tháng vì chủ nhà không đồng-ý với số lượng người ở quá đông nên tui phải tìm nơi để dọn . Khổ nỗi khi biết rằng tui không có việc làm nên bao nhiêu cái đơn xin mướn nhà bị cho vào sọt rác . Cuối cùng tui phải nhờ một chị người Việt , chủ một cơ-sở sản-xuất nhỏ chuyên làm cà rá giả chứng-nhận tui là công nhân của hãng thì tụi tui mới mướn được một cái apartment gần đó . Giá cả phải chăng . Hỡi ôi cái khoản trợ-cấp ban đầu 18 tháng của chính-phủ dành cho người tỵ-nạn chỉ đủ để trả tiền nhà hàng tháng thì tiền đâu để dùng vào các thứ linh-tinh như điện-thọai , điện , ăn-uống , xăng nhớt xe-cộ và vì tui phải xin đi học nghề nữa , làm sao có tiền đây nên tui mới tìm đến xin làm ở một chợ V.N part time từ 4 giờ chiều đến 9 giờ tối . Phỏng-vấn tui là ông manager của chợ . " Ở đây chỉ mướn người có kinh-nghiệm" , ông từ-chối ."Dạ tôi có kinh-nghiệm" , tui nói . Ông cầm tờ đơn xem lại một lần nữa rồi trả lời :"Trong đơn xin việc của anh đâu có nhắc anh làm chợ , bán thịt gì đâu ." Tui nài-nỉ :" Ở V.N thì không có nhưng tôi có bán thịt ở Thái Lan ." Ông nhìn tui có vẻ không tin . Tui nói là tui ra chợ Thái Lan ở gần trại tỵ-nạn phụ tay kia bán thịt và nhớ chực trong bóp còn một bức ảnh chụp lúc đứng cắt thịt nên trình cho ổng xem . Cuối cùng , tui được mướn . Hàng thịt trong chợ ngoài người leader (sếp) quầy thịt thì có 2 hạng nhân công : thợ bán và thợ xẻ thịt . Thợ xẻ lương cao hơn thợ bán thường thì từ 2 đến 3 đồng . Đôi khi thợ xẻ còn ra lịnh cho thợ bán mang thịt trong phòng lạnh ra để mình cắt vì kể như là có tay nghề nên có đặc ân là được quyền điều-động nhân viên nếu sếp không có mặt . Số người đứng bán nhiều hơn người xẻ thịt , đôi lúc khách đông thợ xẻ cũng phải phụ bán luôn . Thợ bán có nhiệm-vụ là đứng bán , cắt , cưa , xắt lát , xay nhuyễn miếng thịt thể theo lời yêu-cầu của khách và của sếp , cộng thêm đánh-giá tiền trên máy . Ngoài ra người bán còn có nhiệm-vụ clean up (Lau , rửa) trong , ngoài sạch-sẽ trước khi chợ đóng cửa và phụ giúp thay đá mới trong các tủ kính khoảng một tuần một lần . Tôi vì không có tay nghề nên được vào làm thợ bán . Nếu các bạn nào không thích tính-toán hay những con số thì ráng làm quen nếu lỡ vào làm bán thịt vì mỗi loại thịt đều ký-hiệu bằng những con số khi đánh vào máy thí dụ thịt nạt dai không mỡ là 122 và có mỡ là 123 . Vì có người mới vào làm là tui nên sếp thịt đã dán những con số trên cửa kiếng của mỗi loại thịt , xương khác nhau để tôi biết mà đánh đúng số .Thường thì tất cả các bảng số sẽ bị tháo đi sau 2 tuần . Kể từ đó nếu người bán không nhớ có-thể bị la rầy . Thời-gian đầu , nhất cử nhất động của người mới đều không tránh khỏi cặp mắt để ý của sếp. Đôi khi gặp khách , nếu người bán không lên tiếng chào hàng hay gọi mời nhỏ quá cũng sẽ bị chỉnh ngay bằng ngôn-từ khá chói tai : " Ông bộ á-khẩu hả ? Sao đứng như khúc cây vậy" và nhiều khi xếp thịt trong quầy không ngay hàng thẳng lối hay lúc bán bị xê dịch cũng bị lên lớp là mất trật-tự , làm miếng thịt thấy xấu đi , mất khách . (Cũng khó nói mấy tay leader được vì họ cũng sợ bị cấp trên khiển-trách). Rồi gặp mấy bà hôm nào buồn tình việc gia-đình, đày-đọa mấy ông bán hết cỡ , đòi lấy cho bằng được miếng thịt nằm ở dưới đáy tủ rồi bắt cắt cưa đủ kiểu vẫn không vừa lòng , khiếu-nại lên manager làm phải lấy miếng khác thay-thế . Có phàn-nàn với sếp thì cũng được trã lời :" Không vừa ý mấy bả thì bị bỏ lại còn chết nữa" . Lại có người mua thịt nạt đòi phải bắt dùng cưa , cưa miếng thịt ra mỗi miếng dày khoảng nửa lóng tay, khá mỏng . (Dùng máy thái thịt , họ không chịu) .Tui lúc đầu cũng chới-với khi nhìn miếng thịt mềm xèo nhưng sau đó nhìn cách chỉ dẫn của mấy tay làm lâu nên cũng qua đi . Phải nói xử dụng máy cưa để cưa xương, sườn hay thứ khác vẫn không nguy-hiểm bằng cưa thịt gà và móng , chân heo vì mấy món đó có khuynh-hướng kéo tay người bán vào lưỡi cưa nên phải rất cẩn-thận . Có rất nhiều người bị cắt đứt tay vì các thứ đó . Nhẹ thì chỉ cắt trúng thịt , da ngón tay , nặng thì bị rụng cả đốt ngón tay . Có lần tôi chứng-kiến , một bác bán thịt bị rụng cả lóng tay phải chở vào bê.nh-viện ráp lại .Máy thái thường dùng để thái thịt bò , người bán khi thái miếng đầu phải cầm trên tay hỏi người mua xem họ có vừa lòng với độ dày như thế không , nếu quên hỏi khi thái xong , họ bảo không đúng ý và sẽ bị bỏ lại . Nếu trước hàng thịt mà khách xếp hàng quá đông , manager sẽ chạy xuống đốc thúc người làm phải lẹ tay . Ra vô phòng lạnh mang thịt ra , khiêng nặng , đường trơn-trợt dễ té . Có lần tui bị té thiếu điều muốn trật xương sống , hai ba ngày vẫn chưa hết đau .
Sau này gia-nhập vào toán bán tối có 2 anh mới từ V.N. đến . Một anh là cựu giáo-sư trung-học , còn một anh là cựu biên tập viên cảnh-sát . Tui có hỏi thăm các anh về cái nghề mới bất-đắc dĩ này thì được cho biết là đứng lâu nên có vẻ mỏi giò (đứng 8 tiếng một ngày) . Tuy-nhiên vì sinh-kế nên phải ráng và hy-vọng sau này sẽ quen . Có một buổi cũng hơi vắng khách , một bà dẫn một cậu bé chừng 13 , 14 tuổi đi chợ . Khi đến trước hàng thịt , có lẽ muốn khuyên thằng con phải ráng học , đừng lêu-lổng chơi-bời bả chỉ vào bọn tôi không biết vô-tình hay cố ý bà nói : " Con muốn học-hành đỗ-đạt sau này để ngồi trong phòng giấy có gắn máy lạnh đàng-hoàng hay là phải đứng cả ngày đối diện với mấy miếng thịt máu me hôi tanh như mấy chú này đây " . Trong 3 người , chỉ có mình tui là không ra gì nhưng bên phải tui là một vị cựu giáo-sư toán , bên trái tui là anh cựu đại-úy cảnh-sát . Bất-chợt anh giáo-sư nhìn tui cười mĩm tuy không dấu nỗi chua-chát , anh biên-tập viên cười buồn , riêng tui cũng cười ruồi . Có-thể mỗi nét cười không giống nhau nhưng tựu trung thì không dấu được tâm-trạng ưu-tư, buồn-bã cho sự đổi đời quá nhanh chóng và lạ-kỳ . Biết đâu trong đám khách hàng khó tánh có người là gia-đình của thuộc-hạ của anh biên-tập-viên hay là học trò của anh cựu giáo-sư . Nobody ever known ( Nào ai hiểu được ). Cuộc đời tang thương dâu bể mà . Tuy-nhiên chúng tôi cũng được an-ủi phần nào khi có khách hàng khen là thái miếng thịt thật đều tay và đẹp ( cũng nở lỗ mũi chút chút) và khi có bạn nào sinh-nhật thì được chủ tặng một cái bánh . Bánh được cắt ra phát đều cho tất-cả mọi người và có lẽ mừng nhất là khi gặp người quen đi chợ nhưng cũng chỉ chào hỏi đôi ba câu chứ không dám dông dài sợ bị la . Rồi dòng đời cũng trôi qua như mọi ngày nhưng điều đáng buồn là anh giáo-sư bị cho nghỉ vì lý do dư người bán thịt . Sau đó tui cũng nghỉ vì xin được một việc làm khác lúc học nghề xong.. Phải nói làm thợ bán thịt khá lâu mà tui chỉ được một lần tăng lương và khi lương tối-thiểu tăng lên , lương tui cũng bằng lương những người mới vô .Bẳng đi một thời-gian ,tui có đi chợ nơi mà tui có cả năm trời múa dao khua thớt , anh biên-tập-viên cũng không còn làm nữa . Hầu hết là các khuôn mặt mới . Tui nhìn quầy thịt , các anh hàng thịt mới rồi chợt nghĩ biết đâu trong số đó có ít nhất vài vị giáo-sư hay vài anh thiếu tá , đại-úy hay các cựu sĩ-quan trong quân-lực VNCH đây . Đổi đời mà .

Ghi-chú : Với bài này người viết không có ý-nghĩ xem thường bất cứ một nghề lao-động chân tay nào vì chỉ có người xấu chứ không có nghề xấu . Người viết chỉ muốn ghi lại những khó-khăn trở-ngại của người nhập cư mới tới gặp phải , cố làm mọi việc để vươn lên để sống còn và cũng không ít người đã vượt qua , thành-công sau này . (Vì là những góp nhặt từ trong ký-ức nên xin các bạn và đọc-giả đừng đặt nặng vấn-đề thời-gian mà chủ tâm của người viết chỉ muốn nêu ra nơi đây là những khó-khăn ban đầu của người V.N mới nhập cư ở xứ sở Hiệp chủng Quốc Hoa Kỳ)



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả