Những ngày bán cá .

Tôi nhớ khoảng năm 82 , 83 gì đó , tôi có đọc được vài vần thơ của thi-sĩ Cao-Tần:"Mày hỏi tao qua Mỹ học được củ gì . Nói mày nghe tao thượng-đẳng cu-li" và ....:"Tao rửa chén giỏi hơn bà nội-trợ", riêng câu này tôi xin mạn phép sửa lại : "Tao làm cá giỏi hơn bà nội-trợ" để riêng tặng mấy anh hàng cá . Hôm nay xin cống-hiến các bạn những dòng hồi-ký của chuổi ngày lang-bạt trên xứ : "The land of the opportunity" hay xứ sở của "Lao-động là vinh-quang , lang-thang thì homeless "
Tôi vào làm-việc ở quầy bán cá của chợ "Hai Sê" (Tên tưởng-tượng , không thật) vào khoảng năm 1987 , lúc đó đã có những đợt di dân ào-ạt đến Mỹ . Nhà hàng , tiệm ăn "Food to go " của người Việt bắt đầu mọc lên không ít . Bây-giờ nhớ lại tôi cũng hơi ngạc-nhiên vì không hiểu sao lúc đó lại quá nhiều người đi chợ mua cá so với bây-giờ số lượng ít đi , hay tại vì quá nhiều chợ hiện nay .Gặp nhằm ngày lễ chay của đạo công giáo số người mua lại tăng lên nhiều . Để giải-quyết số lượng khách hàng đông-đảo , manager đích thân xuống đôn-đốc do-đó chúng tôi phải bán làm sạch cá trong khoảng thời-gian kỷ-lục , cũng đỡ cho bọn tui là không có màn chiên cá lúc đó ,( theo ý-kiến cá-nhân của tui , thì không chiên tốt hơn ) . Thường thì với một con cá bông lau lọai trung-bình , người bán chỉ cần 3 nhát dao là có-thể lấy mang , ruột và chặt đuôi thành ra khách hàng khỏi phải đợi lâu . Cũng cần nói thêm là với cá bông lau sống thì phải đập đầu , các bạn bán lâu chỉ cần 1 cái đập là con cá hết còn vùng-vẫy ..Người bán có nhiệm-vụ bắt cá , cua , tôm , bấm máy dán giá tiền và làm sạch hay cắt nhỏ theo lời yêu-cầu của khách hàng . Ký-hiệu dành cho các lọai cá , tôm cua cũng bằng số nên mọi người trong quầy cá phải ráng nhớ .Khi vắng khách , thợ bán phải bu lại làm cá , đánh vẩy , móc mang cho những orders của nhà hàng , mỗi ngày phải làm khỏang chừng ba bốn trăm pounds . Đôi khi phải dùng nước nóng để làm sạch ốc vòi voi , cắt nhỏ theo ý của khách .Đa-số người mua ốc vòi voi là đàn ông và các bậc nử lưu đã có tuổi , vì hình-dạng của nó nên hiếm thấy các cô đến mua . Lúc thấy số lượng cá , tôm đông lạnh ở trong tủ kiếng vơi đi thì phải châm thêm (Lấy từ phòng lạnh ra) riêng tôm thì phải xả đá mất từ 15 đến 20 phút . Thường thì mỗi cuối tuần , khoảng vài người thợ bán tối (Chừng không quá 3 người) phải dọn tất cả những món trong tủ chưng ra rửa ráy cho thật sạch , thay đá mới vào (Đá được lấy từ máy làm đá ở phía sau chợ) . Những con cá đông lạnh bắt đầu có màu tai-tái nghĩa là muốn ươn thì lập tức cho vào thùng rác . Khi khay đựng cá phi-lê bắt đầu vơi thì chúng tôi có nhiệm-vụ phi lê tức là lóc da chỉ lấy toàn thịt từ cá , đa-số từ cá thu .Người bán phải chịu khó để ý nhất là bán tôm hay chả cá , những cú xúc (múc) phải làm sao đúng với lượng mà khách muốn mua nếu không , có-thể bị xếp để ý nặng nhẹ .Quan-trọng nhất là phải đánh đúng số vì nếu không đúng thì thay vì giá tiền cho lobster (tôm hùm) ví-dụ 9.99$/lb anh tính thành giá của cá rô chỉ có .99 $/ 1lb thì chủ có nước xập tiệm . Nói vậy chứ cũng không qua khỏi cặp mắt của các cô tính tiền , có vài lần một vài bạn mới vào làm tính không đúng bị đem tính lại vì bấm lộn và lẽ dĩ-nhiên là bị xài xể . Làm cá đôi khi bị đứt tay nhưng không đến nỗi nặng lắm .Các thợ làm tối có nhiệm-vụ clean up (làm sạch-sẻ) trước khi chơ đóng cửa . Mặc dù mang giày cao ống (boots) và áo choàng ngoài nhưng thợ bán đôi lúc cũng bi té vì trơn-trợt hay cũng bi văng vảy đầy mặt nếu muốn làm cho lẹ .Nếu chấp-nhận vào làm cá thì phải chấp-nhận mùi tanh của cá , tui cũng phục các bà xã chịu được cái mùi của mấy ông bán cá (trong số đó có tui) vì chắc-chắn dù có tắm bằng xà-bông thơm cũng không bán hết mùi tanh được .Tất cả thợ bán cá đều làm với số lương tối-thiểu (minimum wage) nhưng bù lại được thưởng-thức các món ăn về cá thịt ngon hơn , tươi hơn và khi mấy ông bán sĩ đến giao hàng , mỗi người được tặng một con cá hay một con cua ăn chơi .Tui thích nhất là loại cua Trung-Cộng , dáng nhỏ màu hơi đen nhưng thịt cả vỏ mềm , ngọt ngon nhưng giá cả không rẽ (9.99$/lb thời đó ) , vì số lượng nhập cảng ít nên chỉ vài ngày là bán hết sạch . Bây-giờ tôi không thấy các chợ còn bán loại cua mắc tiền ấy nữa . Mặc-dù có mang bao tay loại cao-su , chúng tôi cũng không tránh khỏi bị vi cá đâm vào tay hay bị cua kẹp vì sơ ý . Nghĩ lại thời bán cá cũng vui-vui vì có thêm một kinh-nghiệm mới và nhất là khi gặp người quen , các nghệ-sĩ tên tuổi đi chợ như Hùng-Cường , N/Minh (2 nghệ-sĩ này đã mất sớm) hoặc các ca-sĩ nổi-tiếng khác mà đã lâu không gặp kể từ ngày bỏ xứ ra đi .
Sau đó tui cũng không còn làm chợ nữa nhưng khi gặp khách hàng quen , ai nấy đều hỏi thăm về chợ đắc hay ế , có lẽ tôi là anh hàng cá để lại nhiều ấn-tượng trong lòng họ hay vì họ không biết tôi có làm nơi nào khác chăng , riêng tôi hình-ảnh bán cá lúc nào cũng vương-vấn trong ký-ức đã cùn lụt của tôi khi tuổi đời ngày chồng-chất và mong rằng những dòng ghi lại nơi đây đã phản-ảnh vài nét đặc trưng hay hay của quầy cá ở các siêu thị Việt-Nam tại xứ Cờ-Hoa mà chắc chắn các siêu-thị người Mỹ không bao-giờ có . Ngoài ra tui cũng tự đặt câu hỏi trong đầu là trong vòng vài chục năm hay một thế-kỷ tới liệu các quầy cá thịt ở các chợ V.N có còn tồn-tại như hiện nay hay đã đi vào lịch-sử khi các thế-hệ con cháu của những người tỵ-nạn sinh đẻ và lớn lên tại Mỹ sau này có khuynh-hướng thích ăn hamburger hơn ăn cơm , thích xem banh cà na hơn bóng đá , có-thể một số không ít quên đi tiếng mẹ đẻ .Tương-lai nào ai biết được .


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả