Đà Lạt, thành phố của tình yêu

Sau khi vượt qua hai ngọn đèo lớn là Đèo Ngoạn Mục và Đèo Dran, chúng tôi đã nhìn thấy bảng chỉ Đà Lạt cách 27 cây số. Trời bắt đầu mưa nặng hạt, cảnh vật chung quanh bao phủ trong màn nước, càng làm cho đường đi tăng thêm vẻ hùng vĩ của núi đồi. Tai chúng tôi bắt đầu ù đi, vì chúng tôi đang ớ độ cao 1000 mét. Chiếc xe vẫn lăn bánh trên đường, lâu lâu lại có các xe hai bánh và xe du lịch chạy ngang. Trời mưa làm cho không gian có vẻ u buồn. Giờ này, tôi chợt thèm một ly cà phê sữa nóng nhưng đang ở giữa đường nên ý nghĩ đó chỉ là mộng tưởng. Càng đến gần Đà Lạt, mưa càng lúc càng lớn. Có lẽ trong bao nhiêu ngày, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy buồn. Sau cùng, chúng tôi cũng đến Đà lạt vào khoảng 6 giờ chiều. Cả một ngày ngồi trên xe nên tôi cảm thấy mệt, chỉ muốn về tới khách sạn để nghỉ ngơi.

Bước vào khách sạn Novatel, tôi càng rầu hơn vì phòng nhỏ tí xíu, chật chội, chỉ có một chiếc giường nhỏ, bàn viết ... Mới đêm hôm trước ngủ ở khách sạn Yasaka - Nha Trang trong phòng rất rộng rãi và đẹp đẽ, cửa kính nhìn ra biển, nên hôm nay tôi cảm thấy bực bội khi phòng nhỏ quá. Nhiệt độ bên ngoài là 26 độ C nên không khí trong đây rất nóng và ẩm thấp. Tôi gọi xuống phòng trực của khách sạn mới biết là các khách sạn ở đây đều không gắn máy lạnh, vì nhiệt độ trung bình của Đà lạt vào tháng 6 là 15 độ C. Thật là may mắn cho tôi ! Tôi mở ngay cửa sổ, vừa đứng nhìn cảnh Đà Lạt trong mưa vừa hưởng chút khí trời. Trời mưa nên trên đường rất ít xe cộ và người qua lại, thỉnh thoảng chỉ có vài ánh đèn phớt qua trên đường. Đứng một chút đã tới giờ đi ăn tối, tôi đi bộ xuống đường, băng ngang qua đèn xanh đỏ để đến nhà hàng bên cạnh có tên là Paradise. Một ngày mệt nhọc đã qua, và tôi cũng chẳng đi đâu trong trời mưa gió, nên sau khi ăn tối xong tôi về lại phòng, sắp xếp lại các món quà tôi mua ở khắp nơi trên đường đi và lên giường ngủ.

Tiếng ồn ào của kèn xe vang vang làm tôi giựt mình thức dậy, nhìn đồng hồ mới có 6 giờ sáng. Đêm qua tôi mất ngủ vì nóng, 3 giờ sáng lại đứng lên ra nhìn qua khung cửa sổ và đầu óc suy nghĩ lung tung. Thật là chuyện khó tin mà có thiệt, tôi không bao giờ ngờ là mình sẽ bị nóng ở thành phố Đà Lạt, nơi mà có độ cao 1500 mét. Trời nóng như vầy thì tình yêu ở đâu đây nhỉ ?.Để tôi sẽ tìm hiểu thật rõ coi vì sao mà từ trước tới giờ, Đà Lạt luôn là thành phố của mộng mơ, của tình yêu. Tôi nhìn xuống đường, lòng cảm thấy mát dịu khi nhìn được những tà áo dài đủ màu sắc bay bay trong gió. Có lẽ trong ký ức, tôi vẫn luôn yêu hình ảnh của các cô gái Việt Nam với tóc xoã ngang lưng trong tà áo dài tha thướt, nhẹ nhàng, ẻo lả. Tuy trời hơi nóng với tôi nhưng có lẽ với các cô gái Đà Lạt thì trời lạnh lắm, vì tôi thấy các cô đều khoác ngoài chiếc áo len hay áo khoác nhẹ. Tôi chợt mỉm cười khi nhớ lại lời bình phẩm của một người bạn về con gái Đà Lạt : " Con gái xứ lạnh như Đà Lạt thường có làn da rất đẹp, nhưng vì đường cao nguyên quanh co và nhiều dốc lên xuống, nên bạn đừng nhìn vào chân của các cô mà vỡ mộng nhé ... " !!!

Nắng đã lên. Trên trời, vài cụm mây trắng xanh xen lẫn với những đám mây đen. Chúng tôi vừa chạy ngang qua Hồ Xuân Hương, mấy hôm nay trời mưa nên nước hồ không được trong lắm, nhưng nhìn cảnh vật chung quanh cũng rất mát mắt. Nếu trời không mưa, buổi tối đi dạo chung quanh bờ hồ và trong tay có một trái bắp nướng chắc thú vị lắm... Tiếng nói của người hướng dẫn viên làm tôi giật mình trở lại thực tế, anh đang chỉ cho chúng tôi Hồ Than thở và kể lại câu chuyện tình của đôi trai tài gái sắc mà ai đến Đà Lạt cũng nghe qua, tình sử của Đồi thông hai mộ:

" Chàng là mẫu người thật lý tưởng cho các cô : đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi... , con của một đại điền chủ ở Vĩnh Long. Với ý muốn chọn nghiệp võ làm tuơng lai, chàng đã theo học tại trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Tại đây, chàng gặp nàng ( với một tên thật hay là Thảo, là một sinh viên) và hai người đã thương yêu nhau với tất cả tâm hồn và ước vọng của tuổi trẻ. Mỗi cuối tuần, khi chàng được ra ngoài là những ngày hò hẹn thật vui và tay trong tay, hai người đã đi khắp các nẻo đường của Đà Lạt mộng mơ. Chàng hứa với nàng là hai người sẽ lấy nhau khi chàng học xong. Nhưng, quan hệ của hai người đã không được gia đình chàng đồng ý vì nghĩ là nàng không xứng đáng với chàng theo quan niệm " môn đăng hộ đối " và khuyên chàng hãy xa nàng để lập gia đình với một người con gái khác. Nghe tin, nàng thất vọng vì giấc mơ và tình yêu đầu đời đã tan vỡ và một ngày nọ, nàng đã đứng khóc lóc thật lâu bên hồ Than Thở và tự gieo mình vào hồ. Nàng có để lại cho chàng một bức thư cuối cùng. Khi đọc xong chàng đã im lặng, không nói với ai về những điều trong bức thư đó. Sau khi ra trường, chàng đã xin ra đơn vị để chiến đấu và một năm sau, chàng đã tử trận. Ước nguyện cuối cùng của chàng là xin cho hai người được nằm cạnh nhau trên một đồi thông, nơi đã ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm của những ngày tháng yêu nhau... "

Câu chuyện tình thật đẹp làm cho chúng tôi im lặng thật lâu. Tôi nhìn ra ngoài, bây giờ đồi thông cũng chỉ còn một ngôi mộ của Thảo, còn ngôi mộ của chàng đã được gia đình chàng bốc đi sau một thời gian chàng nằm ở đó. Tôi nhìn vào rừng thông bên kia đường, nơi có hai cây thông quấn quýt lấy nhau thành một. Hai gốc thông khác nhau xoắn lại với nhau bắt đầu từ nơi cách mặt dất khoảng 30 cen-ti mét và cũng cao to như các cây khác. Người ta nói là hai cây thông này đã như vậy sau khi hai người chết đi. Tôi không biết điều đó có thật không, nhưng tôi hiểu một điều là tình yêu chân thật thì không ai có thể ngăn cách được, kể cả sự chết.

Xe ngừng lại ở Trúc Lâm Thiền viện. Cảnh chung quanh thật đẹp với núi đồi và hồ nước ở giữa. Mùa Hạ nên thật đông người, chung quanh tôi toàn là người Việt Nam với giọng nói của cả ba miền Trung, Nam, Bắc; nhưng giọng Bắc nhiều nhất. Thời gian này, đi đến các nơi tôi đều thấy người trong nước đi nghỉ hè rất nhiều. Có lẽ là một dấu hiệu tốt vì đời sống nói chung có vẻ sung túc hơn trước. Đi vào bên trong, căn nhà chính của Thiền Viện đầy người. Không hiểu với số lượng du khách đông đảo như vậy, làm sao mà các tăng sĩ giữ được lòng thanh tịnh. Hay là các tăng sĩ đã đạt được tới cảnh giới vô ngã, vô ưu ???. Đông quá nên tôi chỉ nhìn vào rồi đi ra ngắm cảnh chung quanh tiếp tục...

Trước mắt tôi hiện ra một rừng hoa thật đẹp, sắc màu lộng lẫy. Chúng tôi đang đi vào vườn hoa Minh Tâm. Đối với một người rất dốt nát như tôi, không biết tên của các loài hoa ngoại trừ hoa hồng, hoa cúc... mà cũng cảm thấy cõi lòng mình dịu lại. Đủ màu sắc, đủ loại hoa, màu vàng của Dã Quỳ, Mi Mô Sa, màu tím của hoa " đừng quên tôi " ( Forget me not ), màu đỏ , màu trắng, màu cam ... của các loài hoa khác làm cho cả không gian ngát màu. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ về các loại hoa của núi đồi Đà Lạt :

Dã quỳ ơi, Dã quỳ ơi !
Áo quê mùa khoác đất trời cao nguyên,
Tìm em mỏi gót thung triền,
Nắng mưa chung thủy nỡ quên mùa vàng ! ( Dã Quỳ ) *

Có loài hoa " đừng quên tôi ",
Mà sao đành nở nửa đời quay lưng !
Lỡ thương sắc núi hương rừng,
Kiếp sau xin hẹn hạc tùng đề thơ ! ( Hoa đừng quên tôi ) *

Lạc vào vườn hoa đẹp quá, tôi nhìn chung quanh coi có các nàng tiên nữ chạy ra đùa giỡn vơi hoa không mà chẳng thấy. Chắc là phải chờ tới đêm trăng sáng, đúng giờ linh mới có tiên nữ giáng trần...!!!

Những bước chân dẫn tôi đi dần về thung lũng tình yêu ( Valley Of Love ). Khung cảnh thiệt lãng mạn, tình tứ với các cây thông thật cao phía sau, mờ mờ xa xa là một rặng núi đồi, bao quanh các cây cối thật xanh mát. Một chiếc xích đu với tấm bảng nhỏ " thung lũng tình yêu " làm cho ai cũng muốn chụp hình. Chúng tôi giành giựt nhau chụp hình hết kiểu này tới kiểu khác. Ngày hôm nay, tôi đi rất nhiều nơi nhưng không cảm thấy mệt mỏi chút nào, có lẽ vì cảnh vật thơ mộng quá, có lẽ vì được nghe câu chuyện tình thật cảm động, và có lẽ vì nơi đây là Đà Lạt, thành phố của tình yêu... Tình yêu chẳng bao giờ là một đề tài nhàm chán cả, con người đôi khi bị đau đớn, vật vã, khóc lóc vì tình yêu nhưng tình yêu cũng là hạnh phúc, nguồn sức sống của con người. Nên cho dù bị bầm dập như thế nào, con người cũng vẫn muốn yêu và được yêu...

Xe ngừng lại trước Đà Lạt sử quán. Trong chuyến đi về Việt Nam lần này, tôi thấy có rất nhiều nơi trưng bày tranh thêu, đường nét kim chỉ rất thanh nhã và khéo léo, mới nhìn không biết đó là tranh thêu do bàn tay con người làm ra. Ngay trong khách sạn tôi ở, cũng có một gian hàng treo các bức tranh thêu kích thước khác nhau, giá hơi mắc nếu so với tiền lương ở Việt Nam, nhưng đối với du khách thì cũng vừa phải. Chúng tôi bước vào trong nhà. Một cô gái rất trẻ trong tà áo dài thật thanh nhã bước ra chào đón và đưa chúng tôi đi thăm viếng cơ sở của XQ Việt Nam, trung tâm tranh thêu ở Đà Lạt.

Với một giọng nói của miền Trung pha giọng Đà Lạt, cô gái đã đưa chúng tôi đi thăm các nhà trưng bày tranh và cho chúng tôi biết chút ít về lịch sử của cơ sở. Công ty được thành lập năm 1994 do hai ông bà Vũ Văn Quân và Hoàng Thị Xuân với mục đích tìm lại các giá trị tinh thần của đất nước Việt Nam đang bị mất dần trong thời đại ngày nay, khôi phục lại ngành thêu cổ truyền. Nằm trên một diện tích khoảng 2 mẫu tây, trên đường đi vào thung lũng tình yêu, lối kiến trúc cũng thật độc đáo đi từ cao xuống thấp theo địa hình đồi núi của Đà Lạt. Các nghệ nhân thêu ( danh từ tại Việt Nam ) dùng áo dài làm thường phục hàng ngày để nói lên đức tính kiên trì, nhẫn nại của phụ nữ Việt Nam dùng bàn tay khéo léo của mình kiếm sống lương thiện, nhưng cũng để làm đẹp cho đời. Một ngày làm việc của họ bắt đầu với quét lá, săn sóc cây cỏ, đọc thư pháp để hoà mình vào với cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Sau đó đến trước bàn thờ tổ ( Ông Lê Công Hành 1606-1661, đậu tiến Sĩ khoa thi Bính Tuất 1640 và làm quan dưới thời vua Lê Chân Tông ) để thắp nhang cúng tổ. Và bắt đầu một ngày làm việc, đem tâm hồn mình hoà vào từng đường kim mũi chỉ.

" Căn nhà ca dao của Mẹ " với những bức tranh thêu về hình ảnh người mẹ Việt Nam, những hình ảnh rất bình thường nhưng thắm đượm tình thương yêu của người Mẹ, mỗi nếp nhăn trên trán Mẹ là do những lo lắng qua bao ngày tháng cho tới khi đoàn con khôn lớn. Bức tranh làm cho tôi xúc động nhất là bức tranh trong đó có một đôi dép đàn bà đã rách nát và bị đứt trên đường, có lẽ người mẹ đã hy sinh không mua đôi dép khác để dành tiền cho các con, và một ngày nào đó trên đường đi đôi dép đã bị đứt. Ôi ! Người mẹ Việt Nam tảo tần mưa nắng để lo cho gia đình chồng con, đến khi mẹ già, có bao nhiêu người con còn nhớ đến và chăm sóc cha mẹ mình...

Mây và bụi cuốn bên chân
Tóc mai, áo hạc tần ngần lối xưa
Thuyền lòng lạc bến sông mưa
Hắt hiu bóng Mẹ gió lùa ngàn Đông ! *

" Vườn thiên nga tri kỷ " nhắc lại về tình bạn của Lưu Bình - Dương Lễ, vì tình bạn tình tri kỷ đã hy sinh những gì mình có để giúp đỡ cho bạn được nên danh với đời, giúp bạn cùng thăng tiến trong cuộc sống.

Đời vô tri kỷ thơ vô chữ
Gốc đá chơ vơ bạn lão tùng ! *

Gần 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi say sưa đi thăm các phòng trưung bày tranh, mỗi bức tranh đều nói lên tình cảm phong phú của người dân Việt, những giá trị đạo lý đã phai nhạt dần trong đời sống bận rộn và chạy theo cá nhân chủ nghĩa hôm nay. Cả một thời thơ ấu trở lại với tôi, những ngày còn mài đũng quần trên ghế học đường từ lâu lắm rồi. Tôi cảm thấy thật vui và hãnh diện khi làm người Việt Nam.

Chúng tôi đi ra ngoài. Trời bắt đầu âm u và cơn mưa Hạ sắp kéo tới. Bây giờ tôi đã hiểu tại sao Đà Lạt được gọi là thành phố của tình yêu, và cái nóng của Đà Lạt không làm cho tôi khó chịu nữa. Những ngày ở đây sẽ là một kỷ niệm đẹp cho tôi, những ngày với trái tim nóng bỏng tình yêu của một Đà Lạt thơ mộng trong ngàn hoa khoe sắc...

Ta yêu Đà Lạt sương mờ,
Và yêu mây trắng ngu ngơ non Tùng
Bao năm gót lữ đã từng
Dặm người dặm bụi xin đừng hoá dâu ... *


*: Trích từ thi tập " Nhớ Mẹ " và " Hồn Thơ " của Đà Lạt Sử quán












Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả