CHA TÔI

Tôi không biết bắt đầu những dòng chữ này như bắt đầu một lá thư hay một dòng tự thuật, một mảnh nhật ký hay một nội tâm sâu kín...? Dù thế nào đi nữa, tôi cứ viết. Lỗ Tấn nói: "Làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi". Tôi viết và mong đây là một con đường rất riêng của tôi đến một lòng yêu, một tình yêu: CHA TÔI.

Câu chuyện về Cha, điều đầu tiên tôi nhớ là những trận đòn. đó chẳng phải là những kỷ niệm tuổi thơ để người ta nhớ và làm thơ về cái thời ngỗ nghịch. Những trận đòn của Cha, tôi không thể nào hiểu hết nguyên nhân của nó. Là anh cả, tôi còn ba đứa em, cũng ngang bướng và láu cá như tôi. Đôi khi chúng đánh nhau mà tôi không sao ngăn được, dù tôi luôn được coi là ông anh cả cương quyết. Năm lên sáu, tôi bị một trận đòn, vì theo lời Cha tôi đã "không ngăn được các em đánh nhau". Tôi cũng thường ăn đòn vì cái tật nói huyên thuyên liên tu bất tận, cái tội mà sau này Cha cứ hay nhắc tôi trong những lá thư rất nhiều yêu thương: "Không nói thì ích kỷ. Nói nhiều là kẻ yếu hèn, vô dũng, vô dụng. Nói đúng, nói gọn là kẻ đủ trí tuệ ở đời...". Còn tôi, lúc đó tôi không sao hiểu nổi "nói nhiều thì bị ăn đòn". Tôi cũng nhớ một trận đòn xa xôi dưới bóng cây ngô Ban Mê quê tôi. Ngày đó, Cha đi làm rẫy một mình, vì buồn, Cha đem tôi theo ra rẫy, tôi chạy quanh Cha, phụ Cha những việc nhỏ. Nắng hè quất vào lưng tôi rát bỏng; mệt và nóng quá, tôi tìm những tán lá ngô và thu mình dưới đó, những chiếc lá mỏng dài thượt chạy lăng quăng trên tóc tôi. Thế là Cha đánh. Vì sao thì tôi không hiểu. Cha và tôi chạy lòng vòng dưới màu vàng thăm thẳm của rẫy nương, lá ngô và nắng... Tôi vừa sợ hãi vừa thích thú, và hốt nhiên cảm giác một niềm vui kỳ lạ, sâu thẳm của một đứa con, trong một tình yêu...

Cha tôi nhiều bệnh. Cha để râu. Cha thường đùa: "Cha chỉ còn cái tử cung là không bị bệnh!". Ở cái xứ Ban Mê, có đất trồng cà phê là thoát. Nhưng Cha Mẹ không chọn con đường đó, sợ bốn anh em tôi trở thành "trọc phú". Cha Mẹ đan rổ rá để nuôi bốn anh em tôi ăn học. Cha bảo: "Nhà mình theo phận gối rơm - Nhưng đường học vấn quyết chồm lên cao". Năm tôi thi đại học, cả nhà nín thở chờ đợi. Ba giấy báo trúng tuyển đại học của tôi bay về khiến Cha Mẹ tôi bật khóc vì sung sướng. Sau này, khi lo tôi chao đảo, Cha viết cho tôi: "Con đừng thất hứa. Con thất hứa là Cha Mẹ thất vọng. Lúc này Cha Mẹ không còn dòng lệ sung sướng mà chỉ biết gục khóc vì đau khổ"... Và tôi đã thất hứa.

Phải chi Cha khóc vì đau khổ. Cha không gục khóc, nhưng quả tim Cha nhức nhối. Khi tôi viết những dòng chữ này, tôi vừa nhận được tin nhà: Mẹ đã đưa Cha vào bệnh viện. Cha bị phù tim...

Tôi nhớ rất rõ cái ngày tôi nhận quyết định bị cấm thi chuyển giai đoạn. Tôi có cảm giác như mình bị "lột truồng". Lúc đó tôi đang là Bí thư Đoàn khoa Toán - Tin học, đối tượng Đảng,... Một tương lai thành đạt, một cái gì đó có lẽ là hay ho... đang chờ đợi tôi. Nhưng cơn bão đến trước; nó đã làm tan tành những khát vọng của tôi và cứa vào lòng kiêu hãnh của tôi những vết thương không bao giờ lành. Tôi lặng lẽ thu xếp đồ đạc trở về Ban Mê, nơi cáhc đó hai năm, có một người Cha tóc bạc đưa một đứa con bé bỏng lên xe vào Sài Gòn học, trong một buổi chiều rất nhiều xúc động.

Cha không đánh đòn. Không có một trận đòn nào cho sự sụp đổ công danh của tôi. Cha ôm tôi, khóc. Nước mắt của những người đàn ông. Lúc đó, tôi hiểu rằng Cha nói đúng: "Nghiệt ngã cũng là Cha, độ lượng cũng là Cha".

Tôi nhìn căn nhà đầy rổ rá và tiều tụy vì tôi. Tôi quyết định chạy xe thồ. Tôi đội một cái nón kín mắt, gò lưng để bạn bè không nhận ra, xuôi ngược Ban Mê kiếm tiền cho Cha Mẹ. Tôi làm quần quật. Có lần, Cha giữ tay tôi và nói: "Cha Mẹ đã tha thứ cho con sao con không tha thứ cho con?". Tôi vẫn quần quật. Tối về, thấy Cha ngồi ở góc nhà đau nhức, câm lặng. Cho đến một ngày, Cha đột nhiên nói: "Đ. ơi, chẳng lẽ tương lai của con là chiếc xe ôm này sao?". Tôi đứng yên phăng phắc. Hè năm ấy, tôi đăng ký thi vào trường Bách khoa, ngành xây dựng và xin học lại trường Tổng hợp. Tôi đã thành công. Lại khăn gói vào Sài Gòn. Lần này Cha không đưa tôi đi được vì phải nằm trên giường bệnh. Tôi ra đi với một niền tin sắt đá: "Các con là những thần tượng do Cha Mẹ nặn đúc để nuôi dưỡng một ước mơ: các con phải trưởng thành, phải là lý tưởng trong sáng của Cha Mẹ"...

Tôi đã "tai qua nạn khỏi" (cứ tạm gọi là như vậy). Nhưng khó khăn mãi theo đuổi. Không đi làm thì không có tiền sống và học. Đi làm thì không có thời gian học. Tôi bị kéo căng và hiểu hơn bao giờ hết hai chữ "Số phận". Mỗi khi bế tắc, tôi lại nhớ đến lá thư của Cha: "Cha già rồi, nhưng tình cảm của Cha lúc nào cũng sôi nổi. Cái ham muốn của Cha là da, thịt, xương, máu của các con luôn trơn mướt, tươi màu và chỉ độc quyền gắn bó trong nội tâm của Cha Mẹ, trở thành mọi niềm ao ước của Cha Mẹ từ nụ cười, lời nói, điệu đi. Do đó, Cha Mẹ quá tham lam làm nền tảng quê hương của các con: Cha Mẹ là quê hương". Và tôi hiểu rằng tôi phải trỗi dậy, phải chiến thắng.

Đôi khi "con ngựa hoang" của tôi vẫn hay băng qua những thảo nguyên ngông cuồng của nó. Tôi biết mình đa tài. Cha từng nói: "Người xưa khuyên: Dục đa thương thần, tài đa lụy thân". Mộc, rèn, nề, làm rẫy, buôn bán, bồi bàn, khuân vác, quản lý, dạy học... tôi không bỏ qua lĩnh vực nào. Toán học, lịch sử, văn học, thiên văn, tâm linh,... tôi cũng không thua. Cha biết điều đó. Có lẽ chỉ có Cha mới nói với tôi: "Con nên hiểu rằng: Đôi mắt của con bao giờ cũng bé nhỏ, đôi tai của con bao giờ cũng lệch âm, bộ óc của con bao giờ cũng cần sự thu nhận. Đừng bắt mọi người nhìn mình một cách ưu ái, cũng đừng nhìn mọi người làm vướng lối đi của mình. Phải hòa vào cái khổ cực, khó khăn để tìm thấy lối đi chân chính". Những dòng chữ này tôi thuộc như người ta thuộc một bài hát mỗi khi cần sống đầy đủ cảm xúc và vượt qua tai ương, mỗi khi lòng kiêu hãnh của tôi cháy bùng muốn thiêu rụi đi tất cả.

Hình như có lần, tôi đã đọc được ở đâu đó một cuốn sách có dòng chữ: "Hãy tri giác toàn bộ thế giới này bằng tình yêu". Với Cha, tôi được thừa hưởng trọn vẹn cuộc sống đầy trắc ẩn, đầy vị tha và sự nghiêm khắc nghiệt ngã chỉ tình yêu mới có. Giờ đây, khi Cha nằm trên giường với những cơn đau hoành hành thể xác, không đi lại, không cầm bút viết cho tôi những lá thư dài cả ngàn chữ, tôi mới hiểu vì sao có những trận đòn sóng gió của tuổi thơ tôi, mới hiểu vì sao Cha Mẹ lại giành nhau mặc chiếc quần sooc trắng tôi gửi về và coi đó là tài sản của gia đình trong niềm hạnh phúc, vì sao mỗi khi Cha xỏ đôi dày tôi mua tặng là nước mắt Cha lại trào ra như niềm âu yếm nuôi con, vì sao Cha nói Cha không sinh tôi ra trong một cơ chế thị trường hay một cơ chế nào khác mà chính nằm trong đạo lý, trong quy luật của thuyết trầm luân; cười trong đau khổ túng quẫn để nhìn con vô tư không hơn; vì sao lá thư nào Cha cũng viết: "Đói bụng hãy tợp một ngụm nước trong, thèm thì quay mặt đi chỗ khác con nhé!"...

Ra đời kiếm sống từ năm mười ba tuổi, tôi đi qua rất nhiều vùng đất không tình yêu. Bây giờ, tôi biết rõ Cha đã là một tình yêu trong tôi. Và đó là một sức mạnh không gì tàn phá nổi.


Tp.HCM, 22.09.1997
Sinh nhật thứ 25 của tôi.


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả